HỘI THẢO QUỐC TẾ “QUAN HỆ ĐỐI TÁC EU-ASEAN VÀ NHỮNG THÁCH THỨC TỪ CÁC SÁNG KIẾN HỢP TÁC CỦA CÁC CƯỜNG QUỐC KINH TẾ KHU VỰC CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG”

728

Một hội thảo đặt nền móng cho mạng lưới nghiên cứu mới về các quan hệ quốc tế khu vực và liên khu vực
Trong hai ngày 09 và 10/10/2017, Trường Đại học Ngoại Thương kết hợp với Trường Đại học Rennes 2 – Cộng hòa Pháp, dưới sự tài trợ của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Quan hệ đối tác EU-ASEAN và những thách thức từ các sáng kiến hợp tác của các cường quốc kinh tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”.
Hội thảo có ý nghĩa quan trọng về cả mặt nghiên cứu và thực tiễn trong bối cảnh chính trị và địa chính trị đang có sự dịch chuyển lớn và khu vực ASEAN dần trở thành một hạt nhân quan trọng trong các sáng kiến hợp tác tại khu vực ở châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2017 được đánh giá là thời điểm vàng cho quan hệ EU-ASEAN, đánh dấu 40 năm xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác chặt chẽ của hai tổ chức. Là một trong số ít các quốc gia trong khu vực ASEAN đã hoàn thành đàm phán hiệp định thương mại tự do với EU (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU – EVFTA), Việt Nam đứng trước nhu cầu cấp thiết cần rà soát và chuẩn bị các chương trình, kế hoạch phù hợp để có thể “đón đầu” các cơ hội và hạn chế các thách thức có thể phát sinh từ việc ký kết và thực thi EVFTA.
Đến tham dự hội thảo, có Ngài Bertrand LORTHOLARY, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; Ngài Bruno ANGELET, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam; Bà Magdalena CIESIELSKA, phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam ; GS. Joël LEBULLENGER, Đại học Rennes 1; GS. Guy BAUDELLE, Đại học Rennes 2; GS. Danielle CHARLES-LE BIHAN, Đại học Rennes 2; GS. Christian DEBLOCK, Đại học Quebec; GS. Marc LAUTIER, Đại học Rennes 2; GS. Eric MOTTET, Đại học Québec (Canada); GS. Mathieu Arès, Đại học Sherbrooke (Canada); GS. Pierre-Yves Monjal, GS. AbdelKhaleq Berramdane, GS Michel TROCHU, Đại học Tours ; GS. Bruno Jetin, Đại học Brunei Darrussalam và các nhà nghiên cứu và chuyên gia quốc tế đến từ các nước : Bỉ, Pháp, Canada, HongKong, Brunei…. Về phía Việt Nam, có ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại Đa biên – Bộ Công thương, TS. Nguyễn Hữu Huyên, Phó Vụ trưởng Vụ QHQT, Bộ Tư pháp cùng đại diện đến từ các cơ quan quản lý nhà nước khác, lãnh đạo doanh nghiệp, luật sư, các giảng viên, các chuyên gia và nhà nghiên cứu trong nước hoạt động trong lĩnh vực quan hệ quốc tế.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS, TS Bùi Anh Tuấn- Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội thảo trong bối cảnh các hiệp định hợp tác và đối tác kinh tế và thương mại song phương và đa phương liên tiếp được ký kết giữa các cường quốc kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương từ một thập kỷ qua.
Các chủ đề của hội thảo đa dạng và phong phú, phân tích mối quan hệ EU-ASEAN dưới góc nhìn kinh tế, chính trị, và pháp lý
Mở đầu các phiên làm việc của Hội thảo, GS.Joël LEBULLENGER tới từ Đại học Rennes 1, đã trình bày một báo cáo dẫn đề. Nhấn mạnh ASEAN với vai trò trung tâm sẽ đóng vị trí quan trọng trong chiến lược châu Á của EU, giáo sư đã trình bày triển vọng về quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai khu vực có thể được xây dựng trên cơ sở các hiệp định song phương giữa EU và các nước thành viên ASEAN.
Sau đó, các diễn giả và đại biểu đã trình bày, đóng góp, trao đổi và thảo luận một cách thẳng thắn và cởi mở về các ý kiến xoay quanh các chủ đề của hội thảo. Thông qua 24 bài trình bày trong hai ngày làm việc, Hội thảo đã thảo luận về ba vấn đề lớn, bao gồm: Quan hệ đối tác giữa EU và ASEAN: giữa chủ nghĩa song phương và chủ nghĩa liên khu vực; Sự tương tác giữa quan hệ đối tác EU-ASEAN và các ý tưởng cạnh tranh tại Châu Á – Thái Bình Dương; và Các phương thức giải quyết tranh chấp về đầu tư.
Trong phần thứ nhất do GS.TS. Danielle Charles – Le Bihan, Đại học Rennes 2 và GS.TS. Christian Deblock, Trường Đại học Quesbec (Canada) làm chủ tọa, các diễn giả đã phân tích mối quan hệ đối tác EU-ASEAN, trong đó có quan hệ hợp tác EU-Việt Nam từ góc nhìn chính trị, kinh tế và địa pháp lý. Bằng việc phân tích mối quan hệ kinh tế và thương mại EU – Việt Nam và tiến trình đàm phán hiệp định EVFTA, bà Magdalena CIESIELSKA (Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam) đã nêu bật những điểm đặc trưng của EVFTA với vai trò là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Từ kinh nghiệm trực tiếp tham gia đàm phán các FTA của Việt Nam, trong đó có EVFTA, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại Đa biên – Bộ Công thương đã trình bày những khó khăn của Việt Nam trong quá trình đàm phán EVFTA cũng như các cơ hội và thách thức mà hiệp định này có thể mang lại cho Việt Nam, không chỉ trong việc thúc đẩy phát triển thương mại mà còn có tác động lớn tới hoạch định chính sách và thực thi pháp luật của nhà nước. Trong khi đó, bài trình bày của GS. Erwan Lannon tới từ Đại học Gent lại đưa ra một góc nhìn toàn cảnh về tiềm năng quan hệ hợp tác EU-ASEAN trước áp lực cạnh tranh từ các cường quốc kinh tế khác đang cố gắng tăng cường sự ảnh hưởng trong khu vực ASEAN (trong đó nổi bật là Trung Quốc và Mỹ).
Tiếp đó, các bài phân tích đi sâu vào những khía cạnh riêng biệt trong mối quan hệ hợp tác song phương và liên khu vực. Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Antoine Sautenet, cố vấn ngoại giao Tập đoàn Michelin, Châu Á và tiếp cận thị trường, đã trình bày về vị trí của EU tại Đông Nam Á trước các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực ô tô, qua đó khẳng định tầm quan trọng của chính sách đối ngoại của EU trước sự cạnh tranh của Nhật Bản và Trung Quốc tại khu vực này. Các quy định về thương mại hàng thực phẩm – một lĩnh vực nhạy cảm và gây nhiều tranh cãi trong các FTA, cũng được trình bày bởi GS. Danielle Charles-Le Bihan tới từ Trường Đại học Rennes 2, trong đó phân tích mối quan hệ tương tác giữa tự do hóa thương mại, tiêu chuẩn hóa và phát triển bền vững. Trong khi đó, các diễn giả của Việt Nam đã trình bày các quy định và đánh giá tác động của EVFTA trong một số lĩnh vực đặc thù, bao gồm phát triển bền vững, sở hữu trí tuệ và lao động. Đặc biệt, trong bài trình bày của mình, PGS. TS. Trần Thị Thùy Dương đã đưa ra những phân tích sâu sắc về mối quan hệ giữa các khía cạnh kinh tế và phi kinh tế trong các FTA thế hệ mới và tác động tích cực của các FTA trong quá trình phát triển bền vững ở Việt Nam.
Trong phần thứ hai, dưới sự chủ tọa của GS. Marc Lautier, Đại học Rennes 2, các chuyên gia quốc tế và Việt Nam đã trao đổi về mức độ tương tác khác nhau giữa các quan hệ đối tác trong khu vực và liên khu vực, cũng như tác động của các quan hệ đối tác này tới tương lai của sự hội nhập khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam và quan hệ EU-ASEAN. Trước tiên, GS. Mathieu Arès, Đại học Sherbrooke (Canada) đã trình bày về “số phận” của TPP sau sự rút lui của Hoa Kỳ, trong đó đưa ra và đánh giá các “kịch bản” khác nhau có thể xảy ra trên cơ sở phân tích chính sách thương mại của các nước thành viên còn lại và nhấn mạnh vai trò “đầu tàu” hiện nay của Nhật Bản. Từ góc nhìn của Việt Nam, TS. Nguyễn Hữu Huyên, Phó Vụ trưởng vụ QHQT, mặc dù thừa nhận một tương lai “chưa rõ ràng” của TPP, vẫn khẳng định những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong các cuộc đàm phán sắp tới với các nước thành viên còn lại của TPP. Tiếp theo đó là các nghiên cứu và phân tích về tác động của các sáng kiến hợp tác đã và đang được triển khai tại châu Á và tác động tới quan hệ EU – ASEAN, bao gồm: ý tưởng về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand; sáng kiến về Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc và ý tưởng liên kết đường sắt mới liên Á. Những sáng kiến này có tác động sâu sắc tới sự phát triển quan hệ hợp tác EU – ASEAN, vừa tạo ra áp lực cạnh tranh nhưng cũng có ảnh hưởng bổ sung và tương hỗ nhất định.
Phần thứ ba do GS.TS. Joel Lebullenger (Đại học Rennes 1) làm chủ tọa tập trung thảo luận về các phương thức giải quyết tranh chấp đầu tư – một vấn đề thu hút sự chú ý của cả các nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian gần đây. Bắt đầu phần trình bày, GS. Michel Trochu đã đưa ra bức tranh tổng quan về tiến trình phát triển của các phương thức giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước trong các FTA của EU và một số quốc gia Đông Nam Á. Trong khi các cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư truyền thống ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, cơ chế mới do EU đề xuất trong một số FTA, trong đó có EVFTA, còn gây nhiều tranh cãi về tính khả thi cũng như hiệu quả kinh tế trong triển khai áp dụng. Đánh giá những thách thức của cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư trong EVFTA đối với Việt Nam, TS. Nguyễn Minh Hằng – Trưởng khoa Luật Đại học Ngoại thương khẳng định đây là một cơ chế rất mới không chỉ đối với các nhà nghiên cứu học thuật mà còn với cả các cơ quan nhà nước và những người trực tiếp đàm phán EVFTA, do đó, đặt ra nhu cầu cấp thiết cho Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu về cơ chế này trong bối cảnh các tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư nước ngoài và Chính phủ Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Các diễn giả quốc tế và trong nước tiếp tục phiên làm việc với những phân tích chuyên sâu về một số vấn đề pháp lý quan trọng trong giải quyết tranh chấp đầu tư, bao gồm vấn đề về thi hành phán quyết trọng tài đầu tư, hiện tượng treaty shopping và các quy định phòng ngừa trong các FTA thế hệ mới và triển vọng thiết lập một cơ quan tài phán đa phương về đầu tư.
Các phiên làm việc đều nhận được sự tham gia thảo luận sôi nổi của các học giả, luật sư và các chuyên gia pháp lý. Nhiều câu hỏi đến từ các chuyên gia liên quan đến triển vọng phát triển quan hệ hợp tác song phương và liên khu vực, tương lai của các hiệp định thương mại tự do và hợp tác kinh tế trong bối cảnh xung đột giữa chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa tự do ngày càng sâu sắc, cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trước triển vọng về mối quan hệ hợp tác chiến lược EU -ASEAN…
Quan hệ EU – ASEAN dưới tác động của các yếu tố “chắc chắn” và “chưa chắc chắn”
Như ông Ngô Chung Khanh đã nhấn mạnh tại Hội thảo, sự phát triển của các mối quan hệ hợp tác song phương và liên khu vực không chỉ có tác động tích cực thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế mà còn có ảnh hưởng sâu sắc tới việc hoàn thiện chính sách quản lý và thể chế hóa tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Mặc dù phân tích các khía cạnh khác nhau trong quan hệ EU -ASEAN, các diễn giả đều thống nhất tầm quan trọng mối quan hệ liên khu vực và triển vọng phát triển quan hệ hợp tác bền vững giữa hai khu vực trở thành quan hệ đối tác chiến lược, qua đó tạo thế cân bằng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương không chỉ về kinh tế – thương mại mà còn về địa chính trị và góp phần củng cố an ninh khu vực. Phát biểu bế mạc hội thảo, GS.TS Joel Lebullenger đã tổng kết những vấn đề đa dạng được thảo luận tại Hội thảo một cách thú vị thông qua đánh giá về các yếu tố chắc chắn và chưa chắc chắn. Trong đó, GS. Joel khẳng định triển vọng EU sẽ tiếp tục tiến trình đàm phán với các quốc gia ASEAN để ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, từ đó hứa hẹn khả năng về một hiệp định thương mại tự do song vùng là rất lớn. Tuy nhiên, quá trình này chịu sự tác động của các yếu tố bất ổn bao gồm một kịch bản không rõ ràng của TPP sau sự rút lui của Hoa Kỳ, sự cạnh tranh tới từ các sáng kiến hợp tác chiến lược và tầm ảnh hưởng của các cường quốc kinh tế khác tại khu vực ASEAN, khả năng hình thành một cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư đa phương,…
Hội thảo quốc tế “Quan hệ đối tác EU-ASEAN và những thách thức từ các sáng kiến hợp tác của các cường quốc kinh tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương” đã kết thúc và để lại những dư âm tốt đẹp đối với những người tham dự. Với những kết quả đạt được thông qua quá trình thảo luận cởi mở cũng như với những kinh nghiệm thực tiễn được chia sẻ, Hội thảo hi vọng sẽ mang tới những bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam trong tiến trình hội nhập và phát triển quan hệ đối tác bền vững với EU cũng như với các quốc gia khác trên thế giới, từ đó, thúc đẩy hoạt động thương mại và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước. Hội thảo cũng hi vọng cung cấp những thông tin bổ ích và cần thiết cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam trong việc kịp thời nắm bắt cơ hội và lợi ích sau khi EVFTA có hiệu lực. Hội thảo cũng tạo nền móng cho mạng lưới nghiên cứu mới (NODYPEX) với mục đích đối chiếu quan hệ đối tác EU-Asean với các sáng kiến hợp tác được đề xuất bởi Asean, Trung Quốc, Hoa Kỳ… trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đây sẽ là mạng lưới nghiên cứu đa ngành phân tích các mức độ tương tác khác nhau giữa các quan hệ đối tác trong khu vực và liên khu vực, cũng như tác động của các quan hệ đối tác này tới tương lai của sự hội nhập khu vực Asean trong đó có Việt Nam và quan hệ EU-ASEAN. Từ đó, các giảng viên và nhóm nghiên cứu trong nước sẽ có cơ hội thảo luận, tham gia vào mạng lưới nghiên cứu này, đồng thời phối hợp thực hiện các dự án nghiên cứu và kêu gọi tài trợ từ EU.