Trần Bảo Ngọc, Cựu SV Khóa 46, Luật kinh doanh quốc tế, Đại học Ngoại Thương
Học luật dễ hay khó?
Tôi đã từng luôn phân vân tự hỏi, liệu nơi đó có phù hợp với tôi? Liệu ngành đó có thể mang lại tương lai như tôi từng mong ước – một mong ước mộng mơ của cô bé 18 tuổi?
Học Đại học không giống như học cấp 3 và học Luật thì lại càng là một khía cạnh khác… Nếu như cấp 3 các bạn quen được thầy cô cầm tay chỉ bài, đọc chép, học gạo để làm sao dạng bài này bạn làm như thế này, kiểu bài kia bạn sẽ có cách làm kia theo một khuôn mẫu nhất định, lên Đại học lại hoàn toàn khác. Đại học là một môi trường mở – nơi mà bạn tự thân vận động (tất nhiên có sự hướng dẫn nhiệt tình của các thầy cô) hoặc là “chết” (thi đi, thi lại, thi tái, thi hồi… không thi được thì học lại để có cơ hội giao lưu với các em khóa dưới, còn nếu không học lại được nữa thì rất tiếc bạn sẽ được mời ra khỏi trường) sẽ không còn thầy cô lúc nào cũng liên tục bên cạnh ép bạn phải học, không còn thầy cô ngày ngày chấm điểm hay kiểm tra xem bạn có làm bài tập hay không.
Vào học chuyên ngành Luật thì càng căng thẳng hơn, người ta vốn bảo Luật khô khan lắm, toàn điều nọ khoản kia, dân Luật chỉ chuyên đi bắt bẻ cãi nhau với người khác rồi nghề Luật ở Việt Nam còn chưa phát triển, sao có thể so sánh với những ngành “hot” như tài chính ngân hàng hay quản trị kinh doanh… Đây cũng chính là lúc cho bạn rèn luyện khả năng chịu đựng của bản thân. Bạn có vượt qua được những định kiến đó để thành công không? 70% phụ thuộc vào chính bản thân bạn mà ở đây tôi không nói giúp bạn được. Tôi sẽ nói về 30% còn lại – từ phía các thầy cô vô cùng đặc biệt của Khoa Luật- Đại học Ngoại Thương (hồi tôi học chỉ là bộ môn Luật)…
Người đầu tiên ai ai cũng biết chính là cô Mơ… Học cô Mơ thì dân tình vô cùng sợ hãi… Cô bắt học căng lắm, phải tư duy vận động hết các nơ ron thần kinh chứ không hời hợt ngồi ngáp ngắn ngáp dài được, nào là tình huống, nào là thuyết trình… nói chung các con giời không còn cách nào khác ngoài học học học và học… Nói dọa thế thôi nhưng nếu bạn biết cách học thì cô Mơ là cả một kho kiến thức vô tận mà bạn có thể học tập và “khai thác”… Cô chính là người đã truyền lửa, truyền đam mê với môn luật cho bao thế hệ học sinh Ngoại thương nói chung cũng như chuyên ngành Luật nói riêng…
Người ấn tượng thứ hai, cũng vô cùng rõ rệt phải kể đến cô Ngọc… cô được mệnh danh là “đệ tử chân truyền của cô Mơ”, từ tính cách đến phong thái và cả kiến thức chuyên môn… nhưng xin bật mí một điều vô cùng đặc biệt mà tôi mới biết được cô Ngọc của chúng ta vô cùng phong cách, nhảy dancesport cực siêu…
Người mà tôi biết ơn nhiều nhất, là giáo viên hướng dẫn tận tình của tôi là cô Hằng…
Người đầu tiên đưa chúng tôi mon men tiếp xúc với môn Luật xin kể đến thầy Minh… với những bài giảng pháp lý đại cương mà ví dụ đa phần về hôn nhân gia đình…
Người để lại cho tôi nhiều lần thót tim nhất có lẽ là thầy Mạnh hình sự (đúng như tên môn học thầy dạy – Luật hình sự…)
Người thân thiện và gần gũi nhất với K46 Luật thì tất nhiên là cô Linh và thầy Thủy…
Còn nhiều nhiều nữa những thầy cô mà chúng tôi yêu quý: cô Lan Anh, thầy Nghĩa, thầy Hà,…
Tất cả các thầy cô đã giúp đỡ K46 Luật rất nhiều trong 4 năm với 14 môn Luật ngắn có dài có, hơi hơi khó có và rất khó cũng có.
Tương lai của nghề luật…
Người ta nói trường đời mới là nơi bạn học được nhiều nhất. Có ra trường đi làm mới thấy thấm thía câu nói đó. Tôi có may mắn hơn các bạn khác khi được tiếp xúc với môi trường Luật từ cuối năm thứ ba, khi được thực tập sau đó là partime và cuối cùng là fulltime tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)… nơi có nhiều những chuyên gia hàng đầu về Luật nói riêng và các chuyên ngành khác nói chung.
Tuy nhiên, điều đầu tiên muốn nói với các bạn rằng, bạn học Ngoại thương không có nghĩa bạn ra ngoài đời đương nhiên được yêu quý. Bạn đã nghe rất nhiều về dân Ngoại thương đòi 1000 USD, hay các nhà tuyển dụng không muốn chọn dân Ngoại thương… Báo chí có thông tin đúng thông tin sai, có thể là do một mục đích xa xôi nào khác nhưng xin dẫn chứng trải nghiệm thực tế của bản thân tôi: khi tôi mới về VIAC, mọi người thực sự không có thiện cảm với dân Ngoại thương dù biết dân Ngoại thương có xuất phát điểm khá hơn các nơi khác bởi dân Ngoại thương “chảnh”… các tiền nhiệm của tôi đã để lại một ấn tượng không được tốt đẹp khi suốt quá trình thực tập chỉ đến có một lần để xin chứng nhận, giao việc không làm vì nghĩ những việc đó không xứng tầm với mình thậm chí mượn tài liệu sách vở tài liệu thì không trả lại!!!! Dù cho đó là những điều bạn có thể cho là nhỏ nhặt nhưng chính những điều đó là điều đầu tiên mọi người nhìn nhận bạn… Nếu có một lời khuyên, tôi khuyên các bạn rằng đừng như thế… Bạn hãy cố gắng hết mình, làm những việc mà có vẻ ban đầu tẻ nhạt như photo chẳng hạn (nếu bạn không làm bạn sao có thể biết được cách sử dụng máy photo như thế nào?) hoặc đánh máy tài liệu văn bản (nếu chịu khó một chút bạn sẽ học được rất nhiều từ chính những tài liệu mà bạn đánh máy)…
Học tập chuyên môn tất nhiên là tốt, nhưng bên cạnh đó hãy học cả những kỹ năng mềm và ngay cả cách cư xử với mọi người sao cho đúng mực nữa. Hãy tích cực tham gia vào những chương trình của trường, của Khoa và của các câu lạc bộ trong trường tổ chức. Dân Ngoại thương nổi tiếng năng động vì thế đừng để mất đi thương hiệu đó, hãy biết cách để biến nó thành thương hiệu riêng của chính bản thân bạn. Có làm được thế, bạn mới thành công.
Nếu bạn hỏi tôi nghề Luật có tương lai hay không? Xin trả lời chắc chắn 10000% với bạn rằng có. Không phải tự nhiên mà ở các nước phát triển một trong nghề mang lại mức lương đáng mơ ước nhất không phải tài chính ngân hàng mà chính là Luật. Tuy nhiên nếu hỏi bạn có tương lai hay không thì xin nhắc lại một lần nữa rằng, điều đó tùy thuộc vào bạn. Tôi hay các thầy cô, bố mẹ không thể giúp bạn được. Chính bạn phải tự tìm ra con đường riêng cho mình. Như tôi, vẫn đang ngày ngày tìm kiếm và khẳng định đam mê của một cô nhóc 18 tuổi ngày đó…
Tôi – một cử nhân chuyên ngành Luật Kinh doanh quốc tế của Đại học Ngoại thương – tự tin nói rằng tôi đã không chọn sai nơi để nuôi dưỡng và chắp cánh ước mơ…