Cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên Luật tại Đại học Ngoại thương

1618

Nghề luật- chọn ai, ai chọn?

Nghề luật là một lĩnh vực lao động trí tuệ gian khổ, lao động đó đòi hỏi phải huy động rất nhiều tố chất trong một con người.

Trước tiên, người hành nghề luật phải có tâm trong sáng: thực sự tâm huyết, yêu và hiểu nghề mà mình đang theo đuổi, làm việc với tất cả sự nhiệt huyết, trăn trở, ưu tư, sống chết với nghề. Thứ hai, nghề luật đỏi hỏi phải nắm chắc các quy định của pháp luật, tư duy rõ ràng, rành mạch, chính xác, tác phong làm việc khoa học bên cạnh sự linh hoạt và sáng tạo. Quy định của pháp luật có phần cứng nhắc nhưng việc áp dụng lại đòi hỏi phải mềm dẻo và linh hoạt, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật nhưng phải cân nhắc đến cả tình người. Thứ ba, nghề luật còn đòi hỏi các kỹ năng mềm, bao gồm nhưng không giới hạn ở kỹ năng nói, thuyết trình, đàm phán, tranh tụng, tiếp xúc khách hàng, kỹ năng viết (soạn thảo hợp đồng, đơn khiếu nại…), kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ việc… Thứ tư, ngoài kiến thức chuyên môn về pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế, người hành nghề luật cần trang bị cho mình khả năng ngoại ngữ, đặc biệt là các ngoại ngữ phổ biến trong các quan hệ quốc tế như Tiếng Anh, Tiếng Pháp… nhằm đáp ứng yêu cầu của công việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Luật sư- nghề của tương lai

Ngày 05/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1072/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 và Đề án Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2010 – 2020đã tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư. Theo đó, đến năm 2020 cả nước phấn đấu có khoảng 20.000 luật sư hành nghề chuyên sâu, đạt tỷ lệ số luật sư trên số dân là 1/4500, tại mỗi địa phương khó khăn về kinh tế xã hội có 30-50 luật sư, bảo đảm tham gia 100% số lượng các vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Cũng đến năm 2020, cả nước phấn đấu phát triển được khoảng 30 tổ chức hành nghề luật sư có quy mô 50-100 luật sư và từ 100 luật sư trở lên họat động chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài. Hiện nay tỷ lệ luật sư tại Việt Nam chỉ ở mức trung bình 1 luật sư/14000 người dân, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (1/1526), Singapore (1/1000), Nhật Bản (1/4546), Pháp (1/1000), Mỹ (1/250). Số lượng luật sư vẫn tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Tính đến ngày 15/9/2014 cả nước có 11.285 người được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và 3.408 tổ chức hành nghề luật sư. Như vậy, từ nay cho đến năm 2020, Việt Nam cần có thêm 9.000 luật sư. Trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại, đầu tư, đặc biệt là thương mại quốc tế còn thiếu rất nhiều luật sư giỏi. Lĩnh vực này cũng là lĩnh vực đem lại nhiều thu nhập nhất cho các luật sư.