HỘI THẢO KHOA HỌC: “LIÊM CHÍNH HỌC THUẬT: CÁC TIÊU CHUẨN VÀ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM”

1374

Một trong những hội thảo mang tính tiên phong về liêm chính học thuật

Ngày 11/12/2017, Trường Đại học Ngoại Thương phối hợp với Viện Chính sách công và Pháp luật, thuộc Liên hiệp các Tổ chức Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tổ chức Hướng tới Minh bạch tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Liêm chính học thuật: Các tiêu chuẩn và biện pháp bảo đảm”.

 

Đây là một hội thảo có ý nghĩa cả về mặt học thuật và về mặt thực tiễn khi liêm chính học thuật là vấn đề có ý nghĩa sống còn với sự tồn tại và phát triển của cộng đồng học thuật nói chung, của các cơ sở nghiên cứu, giáo dục nói riêng của Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự phát triển bùng nổ của Internet, liêm chính học thuật càng cần phải được đề cao và tuân thủ một cách nghiêm ngặt để nâng cao giá trị và vị thế của nền khoa học nước nhà.

Đến tham dự hội thảo, về phía Viện Chính sách công và Pháp luật, có GS. TSKH. Đào Trí Úc, Chủ tịch hội đồng quản trị; GS. TS. NGND. Nguyễn Thị Mơ, Viện trưởng và PGS. TS. Vũ Công Giao, Phó Viện trưởng. Về phía Tổ chức Hướng tới Minh bạch, có TS. Vũ Ngọc Anh, cán bộ chương trình cao cấp, vận động chính sách. Về phía trường Đại học Ngoại Thương, có PGS. TS. Nguyễn Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Minh Hằng, trưởng Khoa Luật. Bên cạnh đó, Hội thảo còn thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, chuyên gia đến từ các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu khác của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS. TS. NGND. Nguyễn Thị Mơ nhấn mạnh trong thời gian qua, các hành vi vi phạm đạo đức nghiên cứu và liêm chính học thuật ở Việt Nam đã trở thành “vấn nạn”. Tuy nhiên, trước tình hình đó, Nhà nước và nhiều trường đại học, cơ sở nghiên cứu của Việt Nam chưa có những bước đi cần thiết. Về phía Nhà nước, Luật Giáo dục đại học năm 2012 cũng như các văn bản dưới luật chưa hàm chứa các quy định về liêm chính học thuật. Về phía các cơ sở giáo dục đại học, hiện tại, chỉ có một trường đại học của Việt Nam ban hành Bộ quy tắc về liêm chính học thuật. Việc triển khai các phần mềm kiểm tra đạo văn còn chưa đồng bộ và còn gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành sửa đổi Luật Giáo dục đại học, các ý kiến phát biểu, trao đổi tại hội thảo về các tiêu chuẩn và các giải pháp đề ra sẽ rất có ý nghĩa, góp phần thay đổi quan điểm, cách tiếp cận về vấn đề, từ đó, giúp liêm chính học thuật trở thành một trong những nguyên tắc có ý nghĩa quyết định đến chất lượng và tính chân chính của nền học thuật Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Vũ Ngọc Anh, đến từ Tổ chức Hướng tới Minh bạch – đơn vị tài trợ cho hội thảo, nhấn mạnh ý nghĩa của hội thảo trong các hoạt động của Tổ chức. Đặc biệt, hội thảo cũng sẽ hướng tới việc hoàn thiện chính sách và quy định của pháp luật Việt Nam về liêm chính học thuật. Trong thời gian tới, Tổ chức Hướng tới Minh bạch sẽ tiếp tục đồng hành với các đơn vị, tổ chức ở Việt Nam để triển khai các hoạt động có ý nghĩa khác liên quan đến chủ đề này nói riêng và về minh bạch nói chung.

Từ lý luận đến kinh nghiệm quốc tế: liêm chính học thuật là một vấn đề có tầm quan trọng cốt lõi

Với phiên đầu tiên về chủ đề “những vấn đề lý luận, thực tiễn về liêm chính học thuật”, hội thảo đã lắng nghe năm tham luận trình bày các vấn đề khác nhau về lý luận và thực tiễn về liêm chính học thuật.

Mở đầu phiên thứ nhất, PGS. TS. Vũ Công Giao, Phó viện trưởng Viện Chính sách công và Pháp luật đã trình bày tham luận về “Liêm chính học thuật: Lý luận, thực tiễn và những biện pháp bảo đảm trên thế giới và ở Việt Nam”. Với kết cấu bốn phần, bài tham luận đã giới thiệu các vấn đề về: lịch sử, khái niệm và nội dung của liêm chính học thuật; các biểu hiện phổ biến về vi phạm liêm chính học thuật; sự cần thiết và các biện pháp bảo đảm liêm chính học thuật; và thực trạng cũng như các yêu đầu đặt ra đối với liêm chính học thuật ở Việt Nam. PGS. TS. Vũ Công Giao đã phân tích cụ thể các hình thức biểu hiện của trường hợp vi phạm liêm chính học thuật và các nguyên nhân cơ bản của tình trạng này. Liên hệ với Việt Nam, tác giả chỉ ra tình trạng thiếu liêm chính học thuật ở Việt Nam bắt nguồn từ các nguyên nhân phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, tình trạng đó còn bắt nguồn từ hai lý do riêng: liêm chính học thuật chưa được pháp điển hóa và phổ biến đầy đủ và liêm chính học thuật chưa được chú ý đúng mức trong kiểm định, đánh giá sản phẩm học thuật. Tác giả cũng phân tích một số ví dụ về việc xây dựng các quy tắc về liêm chính học thuật, hay việc triển khai các phần mềm tra soát đạo văn tại một số trường đại học của Việt Nam. Cuối cùng, tác giả kết luận Việt Nam cần quan tâm về vấn đề này hơn nữa trong tương lai, bằng các hành động cụ thể về lập pháp, lập quy về liêm chính học thuật, trừng phạt các hành vi mua bán luận văn, luận án trái phép…

Tiếp nối bài trình bày của PGS. TS. Vũ Công Giao, GS. TSKH. Đào Trí Úc, trong tham luận với tiêu đề “Đạo đức học thuật và những biểu hiện vi phạm”, đề xuất cần tiếp cận vấn đề rộng hơn. Thay vì chỉ đề cập đến “liêm chính học thuật”, nên đề cập đến “đạo đức khoa học”. Luận giải về đề xuất, GS. TSKH. Đào Trí Úc cho rằng phẩm chất trung tâm và hàng đầu cần có của người làm khoa học là “tính trung thực, tính chân thực”. Đồng thời, cốt lõi của vấn đề, về mặt pháp lý, là quyền tác giả: “tác giả của một sản phẩm khoa học chỉ có thể được coi là người đã tự mình hoặc góp phần trí tuệ của mình vào quá trình làm nên sản phẩm đó”. Do đó, các quy tắc đạo đức khoa học được xác lập và thực thi để khẳng định cũng như bảo vệ những giá trị đặc thù của hoạt động sáng tạo khoa học. Để xem xét đạo đức khoa học, cần phải đánh giá sự ngay tình và khách quan của nhà khoa học. Đó là thước đo quan trọng nhất. Còn đối với các biểu hiện vi phạm đạo đức khoa học, để phòng tránh, cần nhấn mạnh đến giáo dục đạo đức con người. Nói cách khác, để đảm bảo đạo đức khoa học, theo GS. TSKH. Đào Trí Úc, hai nhóm giải pháp cần được quan tâm: xây dựng các quy tắc đảm bảo cho tính liêm chính, trong sáng, khách quan của khoa học; và các biện pháp giáo dục đạo đức.

Tiếp cận liêm chính học thuật ở góc độ cụ thể hơn, TS. Nguyễn Ngọc Hà, giảng viên khoa Luật, Đại học Ngoại Thương, đã trình bày các biện pháp cụ thể mà Pháp đã triển khai để phòng chống đạo văn trong bài viết về “Phòng chống đạo văn trong các cơ sở nghiên cứu và giáo dục đại học của Pháp và kinh nghiệm cho Việt Nam”. Các biện pháp này chủ yếu xoay quanh ba vấn đề lớn: xây dựng các bộ quy tắc; áp dụng các phần mềm phát hiện đạo văn và sử dụng các biện pháp tư pháp để xử lý các hành vi đạo văn. Bộ Giáo dục đại học và nghiên cứu của Pháp đang trong quá trình soạn thảo Bộ quy tắc về liêm chính học thuật. Trong khi đó, Nghị định ngày 25/06/2016 về đào tạo tiến sỹ đã có những quy định buộc các trường đào tạo tiến sỹ và nghiên cứu sinh phải trải qua các khóa học về liêm chính học thuật. Pháp cũng đã thành lập Văn phòng Pháp về liêm chính học thuật để thực thi và giám sát các vấn đề có liên quan tại các cơ sở nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp. Bên cạnh những thành công, bài nghiên cứu của TS. Nguyễn Ngọc Hà cũng chỉ ra những hạn chế của việc triển khai các biện pháp này, từ đó, đã rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam như: cần có sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước về đạo văn nói riêng và liêm chính học thuật nói chung; chú trọng đến các hoạt động mang tính chất phòng ngừa đạo văn và khi có hành vi vi phạm, cần xử lý kiên quyết và dứt điểm.

Cũng tiếp cận vấn đề từ góc nhìn thực tiễn, TS. Nguyễn Bích Thảo, đến từ Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã trình bày nghiên cứu liên quan đến “Pháp luật về bảo đảm liêm chính học thuật: Một số vụ án tiêu biểu ở Hoa Kỳ và kinh nghiệm cho Việt Nam”, và ThS. Đậu Công Hiệp, từ Đại học Luật Hà Nội, với nghiên cứu về “Hiện tượng phi liêm chính học thuật trong sinh viên quốc tế và bài học cho Việt Nam”. Cả hai nghiên cứu cũng đã góp phần làm rõ hơn một số vấn đề pháp lý về liêm chính học thuật từ một số vụ án xảy ra tại Hoa Kỳ và các lý do dẫn đến vi phạm liêm chính học thuật trong giới sinh viên quốc tế. Đây sẽ là những góc nhìn khác góp phần đưa đến cho độc giả các thông tin đầy đủ hơn về liêm chính học thuật.

Liêm chính học thuật trong các trường đại học Việt Nam: những bước đi đầu tiên

Trong phiên làm việc thứ hai, hội thảo đã nghe những chia sẻ kinh nghiệm về triển khai phần mềm chống đạo văn tại Việt Nam thông qua tham luận của các đại biểu đến từ trường Đại học Hàng hải và trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Việc sử dụng phần mềm Turnitin ở cả hai cơ sở chủ yếu đều mang tính phòng ngừa. Khi luận văn hay luận án có tỉ lệ sao chép vượt quá ngưỡng cho phép (30% ở trường Đại học Hàng hải; 20% ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân), sinh viên hay học viên vẫn có cơ hội sửa chữa công trình của mình để giảm tỷ lệ sao chép xuống thấp hơn ngưỡng đó. Cả hai diễn giả đều khẳng định, để triển khai được phần mềm, trước tiên cần có quyết tâm của các lãnh đạo nhà trường. Riêng ở trường Đại học Kinh tế quốc dân, một số kinh nghiệm khác cần lưu ý, đó là: cần xây dựng các quy trình chuẩn liên quan đến việc nộp bài của sinh viên và chuẩn bị về mặt kinh phí. Hiện nay, trường Đại học Kinh tế quốc dân đã áp dụng phần mềm cho tất cả các bậc học và chương trình đào tạo, so với việc triển khai trong các chương trình đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ lúc đầu.

Có thể thấy cả hai trường đại học đều là những cơ sở đầu tiên ở Việt Nam triển khai áp dụng phần mềm chống đạo văn. Dù còn một số khó khăn, không thể phủ nhận những tác động tích cực của công việc này đối với quá trình nâng cao nhận thức của người học về liêm chính học thuật. Do đó, từ bước đi đầu tiên này, hy vọng nhiều trường đại học và viện nghiên cứu khác của Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu để ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin vào việc phòng chống đạo văn nói riêng và đảm bảo liêm chính học thuật nói chung.

Bên cạnh những tham luận, hội thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các khách mời. Đây cũng là những ý kiến xác đáng gợi mở nhiều hướng nghiên cứu, cách tiếp cận cho liêm chính học thuật trong thời gian tới ở Việt Nam.

—o0o—

Hội thảo khoa học “Liêm chính học thuật: Các tiêu chuẩn và biện pháp bảo đảm” đã khép lại với phát biểu bế mạc của GS. TSKH. Đào Trí Úc. Tổng kết các tham luận và phát biểu, GS. TSKH. Đào Trí Úc cho rằng hội thảo đã đề cập được vấn đề mang tính cốt lõi và trọng tâm về liêm chính học thuật cả về mặt lý luận và thực tiễn. Các giải pháp được các tác giả đề xuất có tính khả thi và mang tính đồng bộ cao. Trong thời gian tới, vấn đề liêm chính học thuật và đạo đức khoa học cần tiếp tục được “sới” lên và bàn luận thêm để nâng cao đạo đức, liêm chính học thuật trong cộng đồng khoa học gắn với việc nâng cao đạo đức xã hội nói chung.

 Một số hình ảnh của hội thảo

1. GS. TS. NGND. Nguyễn Thị Mơ phát biểu khai mạc hội thảo khoa học

 

2. TS. Vũ Ngọc Anh, đại diện Tổ chức Hướng tới Minh bạch, phát biểu tại hội thảo 

 

3. Phiên làm việc đầu tiên của hội thảo

 

4. PGS. TS. Vũ Công Giao trình bày tham luận tại hội thảo

 

5. GS. TSKH. Đào Trí Úc trình bày tham luận tại hội thảo

 

6. Các nhà khoa học, khách mời và sinh viên chụp ảnh kỷ niệm