SINH VIÊN K52 LUẬT THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ DIỄN ÁN VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TẠI TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI

686

Vào 14h00 ngày 22 tháng 12 năm 2016, phiên diễn án mô phỏng bằng tiếng Anh phiên điều trần tại Cơ quan Phúc thẩm trong hệ thống giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thê giới (“WTO”) đã diễn ra tại Phòng Thực hành Pháp luật trường Đại học Ngoại thương.Đây là hoạt động được diễn ra trong khuôn khổ của môn học Giải quyết tranh chấp trong Thương mại quốc tế của chuyên ngành Luật Thương mại Quốc tế và cũng là một trong những hoạt động thường kỳ mà Khoa Luật xây dựng để giúp sinh viên có sự gắn kết giữa lý thuyết với thực tiễn áp dụng, giải thích luật trong quá trình giải quyết tranh chấp ở nhiều cơ quan tài phán khác nhau.

 

Phiên diễn án mô phỏng vinh dự có sự góp mặt của những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, đóng vai trò các thành viên của Cơ quan Phúc thẩm trong vụ tranh chấp Trung Quốc – Nguyên liệu thô (Hoa Kỳ, Mexico, Liên minh Châu Âu), đó là:ThS. Lê Sỹ Giảng – Giám đốc Công ty GH Consults, Trưởng nhóm Khuôn khổ Pháp luật và Thể chế, Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện;ThS. Nguyễn Thị Nhung – Chuyên viên Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp; cùng với các giảng viên của Bộ môn Luật Thương mại quốc tế (TS. Nguyễn Ngọc Hà và ThS. Vũ Kim Ngân) của trường Đại học Ngoại Thương.

Bên cạnh đó, buổi diễn án còn có sự tham dự của các khách mời: TS. Nguyễn Minh Hằng – Trưởng Khoa Luật – Đại học Ngoại Thương, TS. Võ Sỹ Mạnh – Giám đốc Trung tâm Đảm bảo Chất lượng – Đại học Ngoại Thương, cùng các thầy cô là giảng viên của khoa Luật và toàn bộ sinh viên của K52 chuyên ngành Luật Thương mại quốc tế.

Dựa trên nội dung một vụ tranh chấp có thật đã được giải quyết tại WTO, buổi diễn án đã mô phỏng lại một phiên điều trần giữa các đại diện của Trung Quốc (Bên kháng cáo); Mexico, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (Bên bị kháng cáo); Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Colombia, Canada và Brazil (các Bên thứ ba) trước Cơ quan Phúc thẩm về các vấn đề liên quan đến những biện pháp hạn chế xuất khẩu mà Trung Quốc đã áp dụng lên sản phẩm nguyên liệu thô gây tổn hại đến lợi ích thương mại của một số quốc gia, trong đó Hoa Kỳ, Mexico và Liên minh Châu Âu. Sự chọn lọc các vấn đề để đưa vào buổi diễn án, theo đánh giá của ThS. Lê Sỹ Giảng, là một “sự lựa chọn thông minh” bởi ba nội dung kháng cáo không trùng lặp và mang tính đa dạng cao, cụ thể bao gồm: vấn đề về thủ tục (liên quan đến nội dung Điều 6.2 Thỏa thuận ghi nhận Quy tắc và Thủ tục giải quyết tranh chấp (“DSU”)); vấn đề giải thích luật gắn với một tình huống kinh tế nhất định (liên quan đến nội dung Điều XI:2(a) Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (“GATT”) năm 1994); và vấn đề giải thích pháp luật thuần túy (liên quan đến nội dung Điều XX(g) Hiệp định GATT 1994).

Góp phần công sức cho sự thành công của buổi diễn án, các sinh viên của K52 Luật Thương mại quốc tế cũng đã nhận được sự tư vấn, hướng dẫn kỹ năng và hỗ trợ về mặt chuyên môn của ThS. Nguyễn Thị Nhung, ThS. Vũ Kim Ngân cùng giảng viên giảng dạy môn học là TS. Nguyễn Ngọc Hà. Ngoài ra, các em sinh viên tham gia diễn án cũng đã thể hiện tinh thần học hỏi, cầu thị khi đã lắng nghe những ý kiến đóng góp để có những chỉnh sửa phù hợp về các kỹ năng diễn án cần thiết. Nhờ đó, phiên diễn án đã được thực hiện như một phiên điều trần thật trước Cơ quan Phúc thẩm WTO. Theo lời nhận xét của ThS. Vũ Kim Ngân, các em sinh viên đã có sự đầu tư, cố gắng và tiến bộ đáng kể so với buổi diễn tập trước đó để mang lại kết quả tốt nhất.

Buổi diễn án kết thúc với những lời góp ý và chia sẻ chân thành đến từ các “thành viên của Cơ quan Phúc thẩm”. Theo ThS. Nguyễn Thị Nhung, tranh chấp thương mại trong khuôn khổ WTO mang tính đặc thù của một vụ tranh chấp giữa các Chính phủ, bởi vậy nó không có sự “kịch tính” cũng như các “yếu tố bất ngờ” như các tranh chấp dân sự hay một vụ án hình sự thông thường. Tuy nhiên, nó vẫn mang những đặc điểm thú vị riêng đối với những người thực sự yêu thích và tìm hiểu.

Cảm nhận sau buổi diễn, nhiều sinh viên K52 Luật Thương mại quốc tế tham gia phiên diễn án đã có những cảm nhận về lợi ích của hoạt động này đối với sinh viên. Bạn Tạ Kim Chi cho rằng: “Hoạt động diễn ánđã đem đến cho chúng em một cách nhìn chân thực hơn đối với các kiến thức trong môn học Giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, hoạt động này đã tạo cơ hội để các sinh viên Luật của trường Đại học Ngoại thương như chúng em nâng cao hiểu biết về các Hiệp định của WTO thông qua tìm hiểu nội dung của vụ tranh chấp cũng như cải thiện các kỹ năng như kỹ năng chuẩn bị cho vụ kiện, kỹ năng thuyết trình…”. Bạn Trần Thị Giang thì nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên chúng em diễn án bằng tiếng Anh. Tuy có nhiều khó khăn so với việc diễn án bằng tiếng Việt, nhưng nhờ sự trợ giúp của các chuyên gia và các thầy cô của Khoa Luật về kỹ năng viết và trình bày bằng tiếng Anh, chúng em đã có sự chuẩn bị tốt hơn và nhờ đó, chúng em đã tự tin hơn trong quá trình diễn án”.

Sự thành công này sẽ là bước khởi đầu thuận lợi để Khoa Luật có thể tổ chức những hoạt động khác chuyên sâu và chuyên nghiệp hơn nhằm mục đích trau dồi kiến thức và kỹ năng cho sinh viên liên quan đến giải quyết tranh chấp tại WTO nói riêng và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế nói chung.

Một số hình ảnh: