MẠN ĐÀM NHÂN DỊP THÀNH LẬP KHOA LUẬT ĐH NGOẠI THƯƠNG

931

Khi biết tin Khoa Luật của FTU được thành lập, tôi thấy thật sự phấn khích, ngay lập tức mở trang web của trường và đọc ngấu nghiến khung chương trình đào tạo Cử nhân Luật chuyên ngành Luật Thương mại quốc tế. Thực lòng mà nói, tôi ghen tị với những sinh viên mới của Khoa Luật, những người sắp được đào tạo về pháp lý chuyên sâu và bài bản hơn so với lứa chúng tôi, những Cử nhân Quản trị kinh doanh (QTKD) chuyên ngành Luật kinh doanh quốc tế.

 

 (Học luật tại FTU và lời khuyên cho các bạn sinh viên)

 Chương trình học tập của chuyên ngành Luật thương mại quốc tế có khá nhiều môn mà tôi đã từng học, nhưng rõ ràng, chuyên sâu và bao quát hơn rất nhiều. Chúng tôi không được nghiên cứu kỹ về từng hiệp định của WTO, cũng như không được đào tạo các lĩnh vực luật Lao động, luật Đất đai,…như chương trình hiện tại.

 Chương trình đào tạo Cử nhân Luật chuyên ngành Luật Thương mại quốc tế có những ưu điểm vượt trội so với chương trình học của tôi trước kia, thậm chí là so với chương trình đào tạo của nhiều trường khác. Sinh viên khoa Luật của FTU không chỉ nghiên cứu chuyên sâu rất nhiều môn luật trong lĩnh vực kinh tế – thương mại mà còn được đào tạo những kỹ năng phụ trợ thiết thực, trong đó nổi bật nhất là Tiếng Anh pháp lý. Với bản thân tôi, sử dụng tiếng anh trong công việc là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, theo chương trình học trước đây tôi theo học, tiếng anh chuyên ngành lại không phải là tiếng Anh pháp lý. Bởi vậy, khi bắt đầu công việc, tôi đã phải cố gắng rất nhiều để bù đắp lỗ hổng này. Có thể nói, việc đào tạo tiếng Anh pháp lý trong chương trình đào tạo Khoa Luật hết sức thiết yếu. Mong rằng các bạn sinh viên sẽ nắm được tầm quan trọng của môn học này và vận dụng nó thật tốt.

 Nhiều bạn có thể còn mang nặng thành kiến, cho rằng học luật khô khan lắm, phải thuộc lòng đủ thứ luật lệ. Nhưng thực tế việc học (nói đúng hơn là nghiên cứu) các môn luật ở FTU không hề tiêu cực như vậy, ít ra là không khô khan chút nào. Học luật ở FTU không phải là đọc-chép, và chắc chắn không phải là học vẹt, học tủ để đi thi. Ngược lại, trong các buổi giảng dạy, trao đổi, giảng viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, sinh viên sẽ tìm hiểu về các chủ đề của môn học và khẳng định thành quả nghiên cứu của mình. Chính những phát biểu, bài tiểu luận và thuyết trình của sinh viên sẽ rút ra những bài học cốt yếu của môn học. Giảng viên cũng thường xuyên đưa ra các tình huống để sinh viên chủ động vận dụng pháp luật để giải quyết. Những bài tập như vậy không khác gì so với công việc tư vấn pháp lý mà các bạn sẽ phải thực hiện trong quá trình công tác sau này, vì thế, trở nên vô cùng lý thú và hữu ích. Tôi tin rằng, sinh viên Khoa Luật FTU không thể thấy khô khan trong những giờ học như thế. Ngược lại, các bạn sẽ hiểu được rằng, học luật ở đây không có nghĩa là học thuộc lòng luật – mà là học cách vận dụng pháp luật.

 Tương đồng với việc giảng dạy đó, việc kiểm tra, đánh giá cũng tập trung vào việc áp dụng luật pháp chứ không phải là chép thuộc lòng các quy định. Hầu hết các môn đều cho phép sử dụng tài liệu khi làm bài thi. Tuy nhiên, sinh viên phải nhớ được các nguyên lý cốt lõi, từ đó mới có thể để tra cứu và vận dụng pháp luật chính xác và hiệu quả.

 Bởi vậy, các bạn sinh viên cần chủ động nghiên cứu, tìm tòi và ghi nhớ những kiến thức cốt lõi của từng môn học. Xin lưu ý rằng, những kiến thức cơ bản nhất chính là những kiến thức phải vận dụng nhiều nhất. Việc đầu tư công sức và tâm huyết cho các bài tập nhóm, tiểu luận, thuyết trình cũng rất quan trọng, nhưng không phải chỉ vì vấn đề điểm số. Nó sẽ mang lại những lợi ích lâu dài cho mỗi sinh viên, vừa đúc kết những kiến thức chuyên môn, vừa bồi đắp khả năng giao tiếp và tính kiên trì – những tố chất bắt buộc khi hoạt động trong lĩnh vực pháp lý.

 (Công việc hiện tại)

 Hiện tại tôi đang làm việc tại phòng Pháp chế của một công ty liên doanh. Công việc chủ yếu là tư vấn về các vấn đề pháp lý, soạn thảo hợp đồng và đánh giá tác động của các quy định mới ban hành đối với công ty.

Trong thời gian thử việc, khi lần đầu thực hiện những công việc tư vấn và xử lý hợp đồng, cảm giác của tôi khá giống với những lúc làm bài tập trong giờ thi. Điểm khác biệt là, thời gian không bị giới hạn quá khắt khe, và áp lực thì nhiều hơn gấp bội. Đến lúc ấy, những kỹ năng tra cứu và vận dụng pháp luật có được từ những giờ học trở nên quý giá và hiệu quả hơn bao giờ hết.

Theo thời gian, cùng với việc kinh nghiệm tăng lên, cảm giác “làm bài tập” sẽ không còn nữa. Thay vào đó là vận dụng các kiến thức chuyên môn và những nguyên lý cốt lõi của lĩnh vực pháp luật liên quan để tư vấn sao cho chính xác và hiệu quả nhất.

Khi các quy định mới được ban hành cũng vậy. Hầu hết các quy định đó và lĩnh vực của nó không nằm trong chương trình đào tạo. Tuy nhiên, cán bộ pháp chế phải có đủ kiến thức và kỹ năng để đọc và hiểu tinh thần, ý nghĩa của các quy định, từ đó xác định các ảnh hưởng mà nó sẽ mang lại và đề xuất biện pháp giải quyết.

 (Phát triển nghề nghiệp)

 Xét về định hướng và phát triển nghề nghiệp, sinh viên Khoa Luật có được rất nhiều thuận lợi. Ngoài việc được đào tạo chuyên sâu hơn, khi tốt nghiệp, sinh viên Khoa Luật còn được cấp bằng cử nhân luật – một tiêu chí quan trọng trong tiêu chuẩn luật sư theo quy định của Luật Luật sư. Nói cách khác, để hành nghề Luật sư, con đường của sinh viên Khoa Luật sẽ ngắn hơn rất nhiều. Như vậy, sinh viên Khoa Luật sẽ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn hai hướng phát triển nghề nghiệp: hành nghề Luật sư và phụ trách công tác pháp chế doanh nghiệp (hoặc các công việc khác như đào tạo về pháp luật hay quản lý Nhà nước,…). Vì thế, các bạn sinh viên nên sớm xác định rõ hướng đi của mình, từ đó, xác định được các môn học trọng tâm cần nghiên cứu và nắm vững.

 Hệ thống pháp luật của nước ta đang trong quá trình hoàn thiện. Nhiều quy định bất cập vẫn tồn tại, thậm chí là tiếp tục được ban hành. Nhiều chính sách, quy định thay đổi liên tục, gây ra những tác động không nhỏ tới doanh nghiệp. Không những vậy, trong thời kỳ kinh tế khó khắn, tranh chấp giữa các doanh nghiệp càng dễ phát sinh, dẫn tới những khoản bồi thường, phạt vi phạm không nhỏ. Tất cả những yếu tố trên đã tạo tiền đề cho nghề luật tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

 Nghề luật ở đây không chỉ nói tới Luật sư, mà bao gồm cả những cán bộ pháp chế doanh nghiệp, những người thiên về vai trò phòng thủ, kiểm soát các nguy cơ và rủi ro pháp lý hơn là bào chữa và giải quyết tranh chấp. Với hệ thống luật phức tạp, nhiều bất cập và tiềm ẩn nhiều rủi ro như của nước ta, hầu hết các công ty đều có nhu cầu được tư vấn pháp lý. Một số công ty thuê các hãng luật đảm nhiệm công tác này. Tuy nhiên, nhiều công ty tuyển dụng và sử dụng các cán bộ pháp chế để tiết kiệm và linh hoạt hơn. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng cán bộ pháp chế doanh nghiệp cũng ngày một tăng lên, không kém so với Luật sư. Do đó, sinh viên Khoa Luật có thể yên tâm về đầu ra, vì họ vừa có thể, ngay khi tốt nghiệp, đảm nhận công tác pháp chế tại doanh nghiệp, vừa có thể phát triển theo hướng hành nghề Luật sư.