Xin chào các bạn!
Tôi là Vũ Kim Ngân, cựu Sinh viên Khóa 43 (Niên khóa 2004 – 2008), chuyên ngành Luật Kinh Doanh Quốc tế, Đại học Ngoại Thương. Hiện tại Tôi là giảng viên môn Luật Thương mại Quốc tế tại Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại Thương, đồng thời là tập sự viên tại Hội đồng Thương mại Dịch vụ (CTS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Là cựu sinh viên của nhà trường, đồng thời đang công tác giảng dạy tại Trường Đại học Ngoại Thương, được chứng kiến sự thành lập của Khoa Luật và sự ra đời của ngành Luật Thương mại Quốc tế mang lại cho Tôi cảm giác tự hào, hạnh phúc và khao khát phấn đấu không ngừng, nhiều hơn nữa để đóng góp cho sự phát triển của ngành Luật Thương mại Quốc tế nói riêng và sự phát triển của Khoa Luật và của Trường Đại học Ngoại Thương nói riêng, cũng như trở thành một phần trong mốc phát triển đáng nhớ này của Khoa Luật và của Nhà trường. Sự ra đời của Khoa Luật đánh dấu bước phát triển về chất trong việc đào tạo luật tại Trường Đại học Ngoại Thương. Đối với trường Đại học Ngoại Thương, đây là một dấu mốc quan trọng nữa trong quá trình chuyển hướng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực (bên cạnh hai khối ngành truyền thống của nhà trường là khối ngành Kinh tế và khối ngành Quản trị Kinh doanh). Ngành Luật thương mại Quốc tế ra đời mang lại cho sinh viên Trường Đại học Ngoại Thương cơ hội việc làm rộng mở hơn sau khi tốt nghiệp, đồng thời bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Thương mại Quốc tế tại Việt Nam.
Học tập trong môi trường ngành Luật Thương mại Quốc tế tại Trường Đại học Ngoại Thương mang lại bước khởi đầu, là nền tảng vững chắc cho sinh viên trong suốt quá trình lập thân, lập nghiệp tương lai. Với chương trình học được chia thành 8 kỳ với 44 môn học, bên cạnh các môn học trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực Luật thương mại quốc tế như Pháp luật Thương mại quốc tế, Pháp luật về Sở hữu trí tuệ, Pháp luật điều chỉnh Thương mại điện tử, Kỹ năng đàm phán và Giải quyết tranh chấp trong WTO, sinh viên cũng được trang bị kiến thức chung về pháp lý thông qua các môn học như Lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt Nam và Thế giới, Lý luận về Nhà nước và Pháp luật, Luật Hiến pháp, Luật Lao động, Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Hành chính, Pháp Luật Tài chính – Ngân hàng, Công pháp quốc tế, Tư pháp quốc tế… Trong học kỳ cuối cùng, sinh viên sẽ trải qua kỳ thực tập giữa khóa và hoàn thành Học phần tốt nghiệp nhằm bước đầu áp dụng những kiến thức đã tích lũy vào thực tiễn cũng như định hướng bước phát triển tiếp theo của bản thân sau khi rời giảng đường. Sinh viên thuộc ngành Luật thương mại quốc tế tại trường Đại học Ngoại Thương cũng được trang bị các kiến thức thiết yếu về ngoại ngữ, tin học,… cũng như các kỹ năng cần thiết để hành nghề trong tương lai như kỹ năng đọc, viết, nói… Bên cạnh đó, trong quá trình học tập tại Nhà trường, sinh viên được khuyến khích tham gia các hội thảo, các phong trào nghiên cứu khoa học, các sự kiện ngoại khóa (các cuộc thi về chủ đề Pháp luật Thương mại quốc tế với sinh viên Luật đến từ các trường đào tạo Luật khác…) nhằm cung cấp cho sinh viên cơ hội mở rộng kiến thức không chỉ thông qua những bài giảng trên lớp, mà còn thông qua các hoạt động bổ trợ.
Là cựu sinh viên chuyên ngành Luật và hiện nay là giảng viên môn Pháp luật Thương mại quốc tế, tôi muốn chia sẻ cùng các bạn hiện là sinh viên Luật Thương mại quốc tế cũng như các bạn mong muốn theo đuổi ngành học này những suy nghĩ, kinh nghiệm của bản thân về phương pháp học tập, các kỹ năng, kiến thức cần tích lũy, các tố chất cần rèn luyện để làm việc tốt tại các vị trí nghề luật trong môi trường cạnh tranh hiện nay. Ngành Luật nói chung và Luật Thương mại Quốc tế nói riêng là một ngành khó, đòi hỏi sinh viên Luật Thương mại quốc tế, muốn thành công, phải có niềm say mê, yêu thích và quyết tâm hoàn thiện bản thân không ngừng kể cả về kiến thức chuyên môn và các kỹ năng cần thiết khác. Khi đã thấy ở bản thân sự say mê, quyết tâm, các bạn sinh viên cần trang bị cho mình kiến thức đầy đủ, cập nhật những thay đổi nhanh chóng của môi trường pháp lý trong nước và quốc tế. Điều này đỏi hỏi sinh viên phải tự học kết hợp với học trên lớp. Sinh viên cần tìm ra phương pháp tự học hiệu quả nhất cho mình thông qua việc tự học một mình, học nhóm, học qua mạng… Trên lớp, theo hướng dẫn của giảng viên, sinh viên cần từng bước tích lũy kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng cần thiết trong tương lai, không chỉ thông qua các giờ học lý thuyết, mà còn thông qua các bài tập tình huống, thảo luận nhóm, tiểu luận, thuyết trình… Bên cạnh kiến thức chuyên môn về Luật, sinh viên cũng cần phải nắm vững các kiến thức về kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hóa, tâm lý… vốn là các yếu tố quyết định tới nội dung quy định pháp luật nói chung và pháp luật Thương mại quốc tế nói riêng.
Ngành luật Thương mại Quốc tế là một ngành đặc thù ở tính chất quốc tế. Điều này đòi hỏi sinh viên theo đuổi ngành này phải trang bị tối thiểu một trong những ngoại ngữ phổ dụng trong thương mại quốc tế hiện nay: Tiếng Anh và/hoặc Tiếng Pháp.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, để thành công trong nghề luật, sinh viên cần rèn luyện cho mình các kỹ năng mềm như đọc, viết, nói, đàm phán, thuyết trình, tranh tụng… Các bạn sinh viên cũng cần tự rèn luyện cho mình những phẩm chất chuyên nghiệp, trung thực, sáng tạo… cần có của người hành nghề luật.
Trong bối cảnh thương mại quốc tế không ngừng thay đổi, ngay cả khi đã rời giảng đường, sinh viên vẫn cần duy trì niềm khao khát không ngừng hoàn thiện bản thân, kiến thức, kỹ năng… nhằm đáp ứng nhu cầu công việc.
Trên đây là chia sẻ một số suy nghĩ của tôi với tư cách là cựu sinh viên chuyên ngành Luật và hiện là giảng viên môn Luật Thương mại Quốc tế. Hi vọng những chia sẻ này sẽ giúp ích cho các bạn đang và sẽ là sinh viên ngành Luật thương mại Quốc tế.
Chúc các bạn thành công!