Trò chuyện với Nguyễn Nữ Thùy Linh – FTUer K47 tâm huyết với ngành Luật

1329

 Quá trình học tập các môn luật tại FTU

 Trong quá trình học thì mình đặc biệt hứng thú khi học môn Pháp luật Doanh nghiệp giảng dạy bởi cô Nguyễn Minh Hằng. Ngoài kiến thức sách vở, cô còn tổ chức các hoạt động bổ trợ thú vị khác như lập hồ sơ đăng ký kinh doanh, tự nghiên cứu về một loại hình doanh nghiệp của quốc gia khác, nghiên cứu tranh luận về một số vụ việc tranh chấp trong công ty đã có trong thực tế.

 

Quá trình làm việc hiện tại trong môi trường nghề luật

Nói về làm việc trong môi trường ngành luật thì mình bắt đầu làm thực tập part-time tại phòng pháp chế của một công ty thương mại. Công việc của một thực tập sinh thì không nhiều lắm, và công việc được giao cũng không mang tính quan trọng, chủ yếu là photo tài liệu; tìm, tập hợp và tóm tắt các văn bản pháp luật, dịch thuật. Mặc dù công việc miêu tả có vẻ “nhàm chán” như vậy nhưng sự thực thì thời gian này rất có ích cho công việc sau này không chỉ về phong cách và môi trường làm việc đặc thù của ngành, mà còn về việc thu nhận được những kiến thức cơ bản ban đầu trong quá trình tiếp xúc với hồ sơ, tài liệu, hoặc được nghe ý kiến của các anh chị có kinh nghiệm tại nơi thực tập.

Sau đó mình bắt đầu làm việc chính thức tại một công ty luật từ giữa tháng 5/2012. Đây là một công ty nhỏ, chưa có mấy danh tiếng và từ khi làm việc tại đây cho đến nay công ty mình làm chưa nhận được việc tư vấn cho một thương vụ cỡ lớn nào. Tuy nhiên, làm việc tại một văn phòng luật/công ty luật nhỏ cũng mang đến một số lợi thế nhất định cho sinh viên mới ra trường là được tiếp xúc với nhiều công việc (khác với các hãng luật lớn, công việc thường được chuyên môn hóa cao), từ đó có thể trang bị được những kiến thức và kinh nghiệm căn bản nhất về nhiều lĩnh vực, và nhờ cơ hội tiếp xúc này mà các bạn sinh viên mới ra trường như mình có thể nhận định được lĩnh vực nào mà mình có hứng thú, phù hợp với khả năng để định hướng nghề nghiệp lâu dài cho bản thân.

 Lời khuyên cho các bạn SV LTMQT: phương pháp học tập, các kỹ năng, kiến thức cần tích lũy, các tố chất cần rèn luyện để làm việc tốt tại các vị trí nghề luật, trong môi trường cạnh tranh hiện nay

  • Phương pháp học tập: không học thụ động (kết hợp học lý thuyết với tra cứu các case có liên quan trên mạng, đọc các bài chuyên khảo để có nhiều góc nhìn, học lấy ý cơ bản, không học gạo, học tủ hay học toàn bộ vì ko có khả năng nhớ hết.
  • Kỹ năng: Kỹ năng search văn bản luật, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng nắm bắt case, lọc bỏ các nội dung không cần thiết. Ngoài học tập trong chương trình, qua cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học hàng năm của trường thì các bạn sinh viên cũng có thể không những thu thập cho mình kiến thức về vấn đề nghiên cứu mà còn bồi dưỡng kỹ năng nghiên cứu rất bổ ích cho việc học tập hiện tại cũng như công việc, học lên cao sau này trong nghề.
  • Kiến thức cần tích lũy: quan trọng nhất là kiến thức nền pháp luật dân sự, Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và một lĩnh vực nào đó mà SV muốn tập trung sau khi ra trường.
  • Tố chất cần rèn luyện:
    • Cẩn trọng, luôn luôn nghĩ đến giải pháp trước khi nói “không”.
    • Chủ động và độc lập suy nghĩ với cả cấp trên, khi còn băn khoăn, nghi ngờ ở điểm nào cần làm rõ dù có thể suy nghĩ trước đó của bản thân có thể đúng hoặc sai. Nên mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình (dù có thể quan điểm này là sai) để nhận được những đóng góp, tranh luận từ người khác, từ đó có thể tăng khả năng tranh luận, bảo vệ ý kiến hoặc chấn chỉnh những khía cạnh mà mình hiểu sai.
    • Tuy nhiên, ngoài tố chất thì thái độ làm việc và học tập đóng vai trò quan trọng trong nghề. Nên chủ động học hỏi, nghiên cứu, học cách tiếp thu tránh bảo thủ hoặc tự tin thái quá. Luôn có một khoảng cách nhất định giữa quy định trên các văn bản luật và thực tế áp dụng, do đó ngoài các nguồn tin sơ cấp (quy định tại các văn bản luật, thông tin từ website các cơ quan nhà nước) thì kinh nghiệm của những người đi trước rất đáng được tham khảo và học hỏi.
  • Tiếng anh là một yêu cầu gần như bắt buộc nếu muốn phát triển nghề nghiệp và mở ra cơ hội nghiên cứu, học tập, đào tạo sau này. Cần lưu ý là khác với tiếng anh trong kinh doanh, thương mại, đối với tiếng anh pháp lí sử dụng trong soạn thảo hợp đồng, đưa ra ý kiến tư vấn … thì yêu cầu về chuẩn mực trong ngữ pháp, cách dùng từ cao và chuyên biệt hơn, nên các bạn cần trang bị kỹ càng cho mình về khía cạnh này.

Tương lai của nghề luật

  • Hiện tại với với việc hội nhập kinh tế, điển hình là việc Việt Nam dần tham gia tích cực hơn trong các vụ kiện và đi kiện trong khuôn khổ WTO, Việt Nam đã xuất hiện nhu cầu về luật sư, chuyên viên trong lĩnh vực thương mại quốc tế, tuy nhiên phải là những người có nhiều kinh nghiệm và có kiến thức chuyên sâu. Do đó theo ý kiến của riêng mình thì cơ hội làm việc trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp trong WTO, ASEAN cho các cử nhân luật TMQT mới ra trường là không cao, tuy nhiên cơ hội làm việc trong ngành luật nhìn chung khá rộng mở, đặc biệt là với các bạn được cầm trong tay tấm bằng cử nhân luật của ĐH Ngoại Thương.
  • Hiện nay doanh nghiệp nước ngoài vào VN nhiều, họ có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý, không chỉ khi có tranh chấp mà còn ngăn ngừa tranh chấp khi nhận được hợp đồng từ đối tác hay sử dụng/soạn thảo mẫu hợp đồng mới tại Việt Nam, hay khi áp dụng chính sách mới về lao động,…. Doanh nghiệp Việt Nam sau nhiều lần bị kiện tụng và để cạnh tranh cũng bắt đầu ý thức được việc này.
  • Bên cạnh sử dụng dịch vụ của một Công ty luật, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI cũng có xu hướng cần luật sư làm việc riêng cho công ty, các bạn có thể lựa chọn là làm việc tại các công ty luật hoặc làm inhouse-lawyer. Với mục đích là tích lũy kiến thức thì các bạn sau khi ra trường nên đầu quân vào các công ty luật vì công việc tại môi trường này phong phú hơn nhiều so với công việc có liên quan đến luật tại một công ty hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực khác.