HỎI ĐÁP VỀ TUYỂN SINH NGÀNH LUẬT TẠI ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG

749

Câu 1: Vì sao nên chọn học ngành Luật, chuyên ngành Luật TMQT của Đại học Ngoại Thương?

 

–         Vì ngành luật là ngành của tương lai với nhiều cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu và rộng thì nhu cầu chuyên gia pháp lý, luật sư về TMQT sẽ ngày càng gia tăng (xem thêm câu thứ 2).

–         Vì đào tạo luật tại FTU được xây dựng và phát triển dựa trên ưu thế, năng lực và kinh nghiệm hơn 50 năm đào tạo về thương mại và kinh tế quốc tế của FTU, đảm bảo môi trường học chất lượng, hiện đại, chuyên nghiệp

–         Vì học Luật TMQT tại FTU đem đến cho các bạn 03 lợi thế:

  • Ngoài những môn học về luật thông thường, sinh viên LTMQT của FTU, như tên gọi của chuyên ngành đào tạo, sẽ được đi sâu và có thế mạnh chuyên môn về pháp luật TMQT như pháp luật WTO với các hệ thống hiệp định trong khuôn khổ WTO như hiệp định GATT, GATS, TRIMs, TRIP, hiệp định chống bán phá giá…, các vấn đề pháp lý về Hợp đồng TMQT, về giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế bằng tòa án và trọng tài thương mại…
  • Thế mạnh thứ hai không thể phủ nhận của SV ĐH Ngoại Thương nói chung là tiếng Anh. SV Luật TMQT tại ĐH Ngoại Thương cũng sẽ có được thế mạnh này, đặc biệt là SV được học tiếng Anh pháp lý theo chuẩn quốc tế ILEC của Cambridge để có thể đọc và tiếp cận được các văn bản pháp luật về TMQT, đọc và phát hiện được các lỗi về tiếng Anh trong hợp đồng… Đây là điểm cộng khi ra trường vì ngoại ngữ là kĩ năng còn yếu của phần lớn đội ngũ luật sư Việt Nam
  • Thế mạnh thứ ba: đó là sinh viên được trang bị nhiều kỹ năng và trải nghiệm các kiến thức và kỹ năng học được thông qua nhiều hoạt động thực hành trong chương trình (xem thêm câu hỏi 6 và 7).

Câu 2: Cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Luật TMQT tại FTU?

SV tốt nghiệp chuyên ngành Luật TMQT tại FTU có các cơ hội việc làm rộng mở:

–         Luật sư làm việc tại các văn phòng, công ty luật

–         Chuyên gia pháp chế tại các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức trong nước và quốc tế

–         Cán bộ tại các cơ quan tòa án, viện kiểm sát

–         Cán bộ tại các cơ quan nhà nước như các bộ, ngành, ủy ban nhân dân…

–         Giảng viên, nghiên cứu viên về luật TMQT

–         V.v…

Ngành luật được coi là ngành của tương lai, bởi hiện nay Việt Nam đang rất thiếu đội ngũ luật sư, chuyên gia pháp lý giỏi (hiện nay Việt Nam còn thiếu khoảng 9000 luật sư).

Cơ hội này càng được khẳng định trong bối cảnh hội nhập, khi mà Việt Nam đang rất thiếu, rất “khan hiếm” các chuyên gia pháp lý quốc tế, các luật sư hội nhập, vừa am hiểu về pháp luật TMQT, về hợp đồng quốc tế, về giải quyết tranh chấp TMQT, vừa giỏi về tiếng Anh, có khả năng làm việc trong môi trường cạnh tranh quốc tế. Với những thế mạnh về kiến thức TMQT, hợp đồng quốc tế, với thế mạnh về tiếng Anh, cử nhân Luật TMQT tại FTU sẽ có cơ hội cực kỳ rộng mở ở các vị trí:

–         Luật sư tại các văn phòng, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam

–         Chuyên gia pháp chế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tại các tổ chức quốc tế và các NGO tại VN, tại các tổ chức quốc tế như WTO, IMF, WB, các tổ chức của ASEAN…

–         Trọng tài viên, hòa giải viên tại các trung tâm trọng tài và hòa giải quốc tế

Câu 3: Chỉ tiêu cho ngành Luật, chuyên ngành Luật TMQT là bao nhiêu? Khối thi nào?

Năm nay, FTU dự kiến tuyển 110 SV cho chuyên ngành Luật TMQT. Các khối thi: khối A, A1, D1

 

Câu 4: Điểm trúng tuyển vào ngành Luật, chuyên ngành Luật TMQT là khoảng bao nhiêu?

Có thể tham khảo điểm trúng truyển vào chuyên ngành Luật TMQT năm 2012, 2013, 2014 như sau:

stt

Năm

Mã chuyên ngành

A

A1

D1

1

2012

660

24

22,5

22,5

2

2013

660

24,5

23

23,5

3

2014

660

24

22

22

 

Câu 5: Cách thức xét tuyển vào chuyên ngành Luật TMQT tại FTU được tiến hành như thế nào?

Việc xét tuyển vào chuyên ngành Luật TMQT tuân theo các quy định chung về xét tuyển tại FTU, cụ thể:

– Xét tuyển trên cơ sở kết quả của kỳ thi THPT quốc gia 2015 của các Cụm thi do Trường đại học chủ trì;

– Điều kiện được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển: Điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên; Hạnh kiểm của từng năm lớp 10, 11, 12 từ Khá trở lên; Điểm ba môn thi (theo tổ hợp môn xét tuyển) đạt mức điểm thông báo nhận hồ sơ xét tuyển của Nhà trường.

– Điểm trúng tuyển được xác định riêng cho Cơ sở Hà Nội, Cơ sở TP Hồ Chí Minh, Cơ sở Quảng Ninh

– Thời gian đăng kí xét tuyển theo lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo

– Chế độ ưu tiêu, tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT

Một số lưu ý khi đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Ngoại Thương

– Không giống như mọi năm, năm nay ĐH Ngoại Thương không có điểm sàn của trường mà chỉ có điểm sàn của từng chuyên ngành;

– Sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh có quyền chọn đăng ký vào 1 chuyên ngành, 2 chuyên ngành, 3 chuyên ngành hoặc 4 chuyên ngành; 4 chuyên ngành này có thể cùng 1 khối hoặc khác khối.

– Cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đăng ký vào các ngành/chuyên ngành. Nên tham khảo điểm trúng tuyển của các chuyên ngành trong 3 năm gần nhất.

Ví dụ: Thí sinh A đăng ký nguyện vọng 1 với 4 chuyên ngành theo thứ tự ưu tiên như sau:

            1. Kinh tế đối ngoại

            2. Quản trị kinh doanh

            3. Luật

            4. Tài chính ngân hàng

Giả sử A không đủ điểm trúng tuyển vào chuyên ngành 1 (Kinh tế đối ngoại) nhưng đủ điểm trúng tuyển vào 3 ngành còn lại (điểm chuẩn thấp hơn Kinh tế đối ngoại) thì cũng chưa chắc đã trúng tuyển. Vì: các ngành còn lại sẽ ưu tiên lấy hồ sơ của các thí sinh đăng ký ngành mình đầu tiên.

 

Câu 6: Q: Hoạt động thực hành trong đào tạo luật tại FTU gồm những hoạt động nào?

Tại FTU, nhằm nâng cao tính thực hành trong hoạt động giảng dạy, Khoa Luật đã thành lập trung tâm thực hành nghề luật để tạo môi trường thực tiễn cho sinh viên. Theo đó, các sinh viên sẽ được tham dự các buổi tập huấn tại trường do các chuyên gia trong nước và nước ngoài giảng dạy tại trung tâm, bên cạnh những buổi hội thảo chuyên môn ở ngoài trường. Trung tâm thường xuyên tổ chức hoạt động tham quan các văn phòng luật sư, trung tâm trọng tài thương mại giúp cho các em có được cái nhìn thực tiễn về ngành nghề trong tương lai. Hoạt động tư vấn tại văn phòng và giảng dạy cộng đồng luôn được trung tâm khuyến các bạn sinh viên tham gia để tăng cường kỹ năng thực hành pháp luật. Một trong những hoạt động thực hạnh mang tới sự thích thú cho các bạn sinh viên là “Phiên tòa giả định”, ở đó các em sinh viên được “sống trong vai diễn” của mình là các Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên.

Ngoài ra, FTU cũng dành riêng một sân chơi cho các bạn sinh viên yêu thích nghề luật đó là Câu Lạc Bộ Nhà tư vấn luật (LCC), được thành lập từ năm 2007. Vừa kết hợp những hoạt động ngoại khóa và sinh hoạt chuyên môn, LCC đã tổ chức thành công những hoạt động như cuộc thi Soul of Law thường niên giữa các trường đào tạo luật trên địa bàn Hà Nội, tọa đàm chuyên môn về những vấn đề nổi bật của xã hội, xây dựng bài giảng luật cho các sinh viên ngành kinh tế… Có thể nói, ở LCC người ta tìm được những con người có cùng niềm đam mê về nghề luật.

 

Câu 7: Được biết ở khoa Luật FTU có triển khai chương trình Giáo dục pháp luật thực hành CLE. Vậy CLE là gì và CLE đem lại gì cho SV Luật TMQT tại FTU?

Chương trình giáo dục pháp luật thực hành (CLE) được biết đến như là một chương trình sử dụng các phương pháp giảng dạy tương tác và sinh động với mục tiêu chính là cung cấp cho các sinh viên luật các kiến thức thực hành, kỹ năng và giá trị nhằm hướng đến việc cung cấp các dịch vụ pháp lý và công bằng xã hội. Chương trình này bắt đầu tại các cơ sở đào tạo luật của Hoa Kỳ và hiện nay đang phát triển tại Châu Á, đặc biệt là Khu vực Đông Nam á.

Tham gia chương trình CLE tại FTU, Sinh viên Luật TMQT sẽ có cơ hội được tập huấn những kỹ năng cần thiết của một luật sư, thẩm phán, người làm công tác pháp luật trong tương lai, được trải nghiệm những hoạt động thực tế đối với cộng đồng, hướng tới bảo vệ người yếu thế nhằm xây dựng một xã hội công bằng… Chương trình CLE là những bước khởi đầu để xây đắp đạo đức nghề luật cho các cử nhân luật thương mại quốc tế FTU trong tương lai.