Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, mức độ mở cửa của nền kinh tế ngày càng rộng, kéo theo áp lực cạnh tranh mà các chủ thể kinh doanh phải đối mặt ngày càng lớn. Thực tiễn cạnh tranh gay gắt buộc các chủ thể kinh doanh phải thực hiện các hành vi cạnh tranh nhằm theo đuổi lợi ích riêng của mình.
Trong một số trường hợp, các hành vi cạnh tranh này có thể tác động tiêu cực tới lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác trên thị trường và lợi ích chung của toàn bộ xã hội. Thực trạng này đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền về cạnh tranh tại Việt Nam phải xác định rõ các vấn đề cần giải quyết và thực thi các giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách và pháp luật về chế độ cạnh tranh kinh tế của Việt Nam. Để tìm ra những giải pháp hiệu quả, việc tham khảo bài học kinh nghiệm của các nước có nền kinh tế thị trường hình thành lâu đời và hệ thống chính sách và pháp luật cạnh tranh hoàn thiện như CHLB Đức là việc làm hết sức cần thiết.
Trước yêu cầu khách quan và cấp thiết này, ngày 8 tháng 10 năm 2013, tại Trung tâm hợp tác Việt Nam – Nhật Bản (VJCC), trường Đại học Ngoại Thương đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Chế độ cạnh tranh kinh tế: Các vấn đề đặt ra và Bài học từ Cộng hòa Liên bang Đức.” Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Đề tài Nghị định thư “Chế độ cạnh tranh kinh tế: Các vấn đề đặt ra và Bài học từ Cộng hòa Liên bang Đức.”
Bà Alice Phạm , GS, TS Henning Roseman, PGS, TS Tăng Văn Nghĩa (từ trái qua phải)
Tham dự Hội thảo, về phía trường Đại học Ngoại Thương, có PGS, TS Vũ Chí Lộc – Chủ tịch Hội đồng trường, PGS, TS Tăng Văn Nghĩa – Trưởng Khoa Sau Đại học, TS Nguyễn Minh Hằng – Phó trưởng Khoa Luật, TS Hồ Thúy Ngọc – Trưởng Khoa Đào tạo Quốc tế và nhiều trưởng phó các đơn vị trong trường. Hội thảo có sự tham gia và phát biểu tham luận của các giáo sư đến từ Đại học Augsburg, CHLB Đức: GS, TS Henning Rosenau – Phó Hiệu Trưởng, GS, TS Thomas Mollers, GS, TS Wolfgang Wurmnest, GS, TS Paul Schrader. Các khách mời trong nước tham dự Hội thảo bao gồm ông Đặng Vũ Huân – Viện Nhà nước và Pháp luật, ông Cao Xuân Hiến – Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, bà Alice Phạm – Giám đốc CUTS International. Ngoài ra, Hội thảo còn thu hút sự tham gia của khoảng 50 khách mời trong và ngoài trường, các giảng viên và sinh viên Luật của Đại học Ngoại Thương.
Diễn biến Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Vũ Chí Lộc nhấn mạnh vai trò của chính sách và pháp luật cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế tại Việt Nam, sự cần thiết duy trì và tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, việc thực thi có hiệu quả pháp luật cạnh tranh, cũng như đòi hỏi phải nghiên cứu toàn diện và tiếp thu kinh nghiệm của các nước đi trước, đặc biệt là các nước có nền kinh tế thị trường phát triển.
PGS, TS Vũ Chí Lộc phát biểu khai mạc Hội thảo
Trong phần phát biểu đáp lời của mình, GS, TS Henning Roseman – Phó Hiệu trưởng Đại học Augsburg nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội thảo và bày tỏ sự cảm ơn lòng mến khách và sự đón tiếp chu đáo của Trường Đại học Ngoại Thương.
GS, TS Henning Roseman phát biểu Hội thảo
Mở đầu nội dung chính của Hội thảo, PGS, TS Tăng Văn Nghĩa – Trưởng Khoa Sau đại học, Đại học Ngoại Thương, Chủ nhiệm đề tài Nghị Định thư “Chế độ cạnh tranh kinh tế: Các vấn đề đặt ra và Bài học từ Cộng hòa Liên bang Đức” đã trình bày tham luận về các vấn đề cơ bản liên quan tới khái niệm, nội hàm của chế độ cạnh tranh kinh tế và các vấn đề đặt ra đối với Việt Nam. Sau đó, với bài phát biểu về nội dung “Thực thi luật cạnh tranh tại Việt Nam: Thực tiễn giai đoạn 2005-2012”, ông Cao Xuân Hiến – Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã cung cấp cho Hội thảo các số liệu thực tiễn và cập nhật về thực trạng thi hành pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam, các kết quả đạt được cũng như các vấn đề còn tồn tại. Trong buổi sáng ngày 8 tháng 10, Hội thảo còn được lắng nghe hai tham luận về “Pháp luật và chính sách cạnh tranh tại Châu Âu và CHLB Đức: Các vấn đề hiện tại” do GS, TS Wolfgang Wurmnest, Đại học Augsburg và “Tính trung lập trong cạnh tranh” do bà Alice Phạm, Giám đốc CUTS trình bày.
Chiều cùng ngày, Hội thảo tiếp tục với các bài tham luận về mối quan hệ của pháp luật cạnh tranh với các lĩnh vực pháp luật liên quan khác: GS, TS Thomas Mollers, Đại học Augsburg trình bày về vấn đề “Thực thi pháp luật cạnh tranh ở khía cạnh tư” nhằm phân tích các cơ chế chủ thể tư sử dụng nhằm đảm bảo việc thi hành luật cạnh tranh, tham luận “Khía cạnh hình sự trong tuân thủ pháp luật cạnh tranh tại CHLB Đức – Tội hối lội trong thực tiễn thương mại” của GS, TS Henning Rosenau về hành vi hối lộ trong kinh doanh tại Cộng hòa LB Đức, hậu quả của hành vi cũng như các hình thức xử lý vi phạm. Bài phát biểu “Quan hệ tác động qua lại giữa Luật cạnh tranh và Luật sở hữu trí tuệ” của TS Hồ Thúy Ngọc phân tích sự tương tác hữu cơ giữa hai lĩnh vực pháp luật cạnh tranh và sở hữu trí tuệ.
TS Hồ Thúy Ngọc trình bày tham luận tại Hội thảo
Bài tham luận cuối cùng trong Hội thảo do GS, TS Paul Schrader – Đại học Augsburg trình bày về tác động của quyền sở hữu trí tuệ đối với cạnh tranh liên quan tới khía cạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các diễn giả và khách mời cũng tham gia tích cực vào phần chia sẻ ý kiến, câu hỏi về các khía cạnh lý luận cũng như thực tiễn của chế độ cạnh tranh kinh tế tại Việt Nam cũng như CHLB Đức.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS, TS Tăng Văn Nghĩa cảm ơn các diễn gia tham gia trình bày tham luận, đồng thời nhấn mạnh các nội dung tham luận và ý kiến chia sẻ của các diễn giả và khách mời sẽ đóng góp quan trọng trong việc nhận diện các vấn đề và đề xuất các giải pháp hoàn thiện chế độ cạnh tranh kinh tế của Việt Nam, các kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức được đưa ra tại Hội thảo sẽ là bài học tham khảo quý báu đối với các cơ quan có thẩm quyền về cạnh tranh của Việt Nam
PGS, TS Vũ Chí Lộc, GS, TS Henning Roseman trao quà lưu niệm
Các Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Buổi Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp và kết thúc vào 17h cùng ngày.