Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, Việt Nam đối mặt với một nhu cầu cấp bách là phải xây dựng được đội ngũ luật gia, luật sư, chuyên gia pháp lý phục vụ cho quá trình hội nhập với kiến thức pháp lý chắc chắn, tư duy nhạy bén, linh hoạt và ngoại ngữ tốt. Mặc dù, trong thời gian gần đây, ở Việt Nam, giáo dục bậc đại học nói chung và giáo dục trong lĩnh vực luật nói riêng đã có nhiều đổi mới về cơ chế quản lý công tác đào tạo, giáo dục, về quy mô và hình thức phát triển… nhưng phương pháp giảng dạy và học luật hầu như chưa có thay đổi đáng kể trong việc gắn liền lý thuyết trên giảng đường với thực tiễn pháp lí. Điều này khiến cho sinh viên tốt nghiệp ngành luật chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của thị trường và nhà tuyển dụng lao động.
Thực trạng này đòi hỏi phải có những cải cách, đổi mới cơ bản trong quá trình giảng dạy và học tập ở các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam, hướng tới đảm bảo tính thực tiễn của chương trình đào tạo, phát huy tính năng động và tích cực, khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn của sinh viên.
Đứng trước yêu cầu này của thực tiễn, nhiều cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam đã áp dụng các giải pháp nhằm đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp và cách thức tổ chức hoạt động giảng dạy và học luật, trong đó có Khoa Luật, trường Đại học Ngoại Thương. Chính thức thành lập từ tháng 8 năm 2012, Khoa Luật, trường Đại học Ngoại Thương luôn hướng tới việc nâng cao chất lượng giảng dạy luật tại nhà trường, trong đó đặc biệt chú trọng đảm bảo tính thực tiễn của các nội dung môn học nhằm nâng cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp ngành Luật, Đại học Ngoại Thương.
Trong các hoạt động cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu này, trước hết phải nói tới việc rà soát và đổi mới chương trình đào tạo cử nhân luật, chuyên ngành Luật Thương mại quốc tế. Ngoài việc tăng cường các tiết thực hành, thảo luận trong mỗi môn học, một số môn kỹ năng thực hành nghề đã được bổ sung vào chương trình. Tiếng Anh pháp lý cũng là một trong những môn học được tăng cường cho sinh viên.
Ngoài ra, Khoa Luật đã thành lập Trung tâm nghiên cứu và thực hành pháp luật (Legal clinic and research centre – LCR) – đầu mối triển khai thực hiện các hoạt động thực hành nghề luật tại trường Đại học Ngoại Thương. Khoa Luật đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Tổ chức Sáng kiến giáo dục pháp luật cộng đồng – Nhịp cầu nối các quốc gia Đông Nam Á – Bridges Across Borders Southeast Asia Community Legal Education Initiative (BABSEA CLE) để triển khai các hoạt động thực hành nghề luật, phát triển kỹ năng nghề, hình thành đạo đức nghề luật cho sinh viên. Khoa đã triển khai nhiều khóa đào tạo về kỹ năng cho sinh viên, đồng thời thực hiện các hoạt động giảng dạy pháp luật cộng đồng miễn phí, tư vấn pháp luật cộng đồng miễn phí do sinh viên luật thực hiện. Khoa Luật triển khai định kỳ hoạt động diễn án (Moot court), phiên tòa giả định (Mock trials), các cuộc thi diễn án (Moot contests) cho sinh viên nhằm tạo cơ hội sinh viên được trải nghiệm các kiến thức và kỹ năng thực tiễn.
Khoa Luật còn triển khai các chương trình hợp tác với các doanh nghiệp, công ty/văn phòng luật để mời chuyên gia pháp lý, luật sư có uy tín đến chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cũng như gửi sinh viên đến thực tập tại các doanh nghiệp, công ty/văn phòng luật. Hiện nay, Khoa Luật đã ký MOU với nhiều công ty luật về vấn đề này và đã có rất nhiều các công ty luật đã nhận sinh viên ngành Luật, Đại học Ngoại Thương thực tập (Baker & McKenzie, LCT Lawyers, EPLegal,…)
Hơn thế nữa, trong 4 năm học tại trường, sinh viên luật còn được hòa mình vào không khí sôi động của các hoạt động của LCC- Câu lạc bộ Nhà tư vấn luật – Law Consultant Club – một câu lạc bộ chuyên môn dành cho các bạn sinh viên ngành luật cũng như các sinh viên say mê và yêu thích luật. LCC đã chứng tỏ sự đa dạng cũng như chiều sâu trong các hoạt động của mình thông qua các sự kiện cụ thể, đặc biệt cuộc thi “SOUL OF LAW” thường niên với nhiều chủ đề khác nhau và các buổi sinh hoạt, toạ đàm chuyên môn dành cho sinh viên. Các hoạt động này đã thổi niềm đam mê luật không chỉ cho các bạn sinh viên ngành luật mà còn cho nhiều sinh viên thuộc các chuyên ngành khác tại Đại học Ngoại Thương.
Các hoạt động nói trên đã bước đầu mang lại hiệu quả nhất định trong việc nâng cao tinh thần và hiệu quả giảng dạy và học tập luật tại Đại học Ngoại Thương. Các công ty luật nhận sinh viên thực tập cũng đánh giá cao chất lượng sinh viên Luật Đại học Ngoại thương với kiến thức pháp lý vững vàng, tư duy kinh tế nhạy bén, ngoại ngữ tốt cùng cách tiếp cận và xử lý linh hoạt các vấn đề. Với hướng đi đó, Khoa Luật Đại học Ngoại Thương tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu là đào tạo được các cử nhân luật am hiểu về pháp luật thương mại quốc tế, giỏi về tiếng Anh pháp lý và đặc biệt là có kỹ năng thực hành nghề tốt để trở thành các luật gia, luật sư, trọng tài viên, hòa giải viên chuyên nghiệp trong môi trường thương mại trong nước và quốc tế./.