Hoàn thiện khung pháp lý về PPP

574

pppSớm thiết lập một hệ thống pháp lý hoàn chỉnh về hình thức đầu tư đối tác công – tư (PPP) tại Việt Nam không chỉ là mối quan tâm của các nhà đầu tư, nhà tài trợ, chuyên gia tư vấn…, mà còn là sự nỗ lực hết mình của các nhà hoạch định chính sách nhằm thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân.

 Tiếp nối thành công của hai hội thảo về PPP do Khoa Luật- Đại học Ngoại Thương phối hợp tổ chức cùng với một số trường Đại học của Cộng hòa Pháp vào năm 2012 và 2013 vừa qua, một số chuyên gia là đại diện của Khoa Luật- Đại học Ngoại Thương và đại diện của Đại học Tours đã có chương trình làm việc nhằm tư vấn, hỗ trợ cho Văn phòng PPP thuộc Cục quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và đầu tư) nhằm hoàn thiện khung pháp lý về PPP tại Việt Nam.

 

 

Tại Buổi làm việc mới đây giữa Văn phòng PPP thuộc Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) với GS. Michel Trochu – Chủ tịch danh dự của Đại học Tours (Pháp) cùng đại diện Khoa Luật- Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, các bên đã tập trung trao đổi, thảo luận để làm rõ nhiều nội dung đang được quan tâm hiện nay như: mối liên hệ giữa Nghị định 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT và Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định 71/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế Thí điểm đầu tư theo hình thức PPP (QĐ 71); nên hay không nên định nghĩa rõ ràng các hình thức PPP; xây dựng hợp đồng mẫu và hợp đồng theo từng lĩnh vực cụ thể; xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển dự án PPP; phần vốn tham gia của Nhà nước và sự phân biệt với phần vốn tham gia của doanh nghiệp nhà nước; dự án do nhà đầu tư đề xuất… Bên cạnh những mô hình thành công, hai bên còn đề cập và chia sẻ những bài học thất bại từ những mô hình PPP đã triển khai của các nước.

de tu nhanppp

GS. Michel Trochu – Chủ tịch danh dự Đại học Tours của Pháp (thứ ba từ bên phải) trao đổi về mô hình đầu tư PPP (Ảnh: Bích Thủy)         

Về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung QĐ 71 và ra đời Luật về PPP, GS. Michel Trochu cho rằng, hiện nay trên thế giới, rất nhiều nước có hệ thống luật về PPP, từ các nước phát triển như Anh, Mỹ, cho đến các nước châu Phi… Hơn nữa, trong bối cảnh viện trợ của các nước lớn đang có xu hướng giảm xuống, trong khi nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt ở các nước đang phát triển như Việt Nam rất lớn, chiếm từ 4-5% GDP, thậm chí là 10% GDP. Sự cạnh tranh giữa các nước nhằm thu hút các nhà đầu tư ngày càng quyết liệt. Do đó, GS. Michel Trochu nhấn mạnh, Việt Nam rất cần sự ra đời của Luật PPP.

Cũng theo GS. Michel Trochu, một trong những mối quan tâm lớn nhất hiện nay của các nhà đầu tư, nhà tài trợ, tổ chức tư vấn,… là mối liên hệ giữa NĐ 108 và Dự thảo sửa đổi, bổ sung QĐ 71. Khi quyết định đầu tư vào một quốc gia nào đó, nhà đầu tư cũng như các bên liên quan mong muốn có một khung khổ pháp lý ổn định, đảm bảo đầu tư bền vững, nhất là khi các dự án PPP thường có thời gian thực hiện khá dài với số vốn lớn. Trong khi đang quen với dự án BOT thực hiện theo NĐ 108, thì khi sửa đổi QĐ 71, các nhà đầu tư băn khoăn rằng liệu những nội dung của Nghị định có được kế thừa hay không, hay thay đổi hoàn toàn?

Giải đáp thắc mắc này, đại diện Văn phòng PPP (đơn vị được giao soạn thảo và lấy ý kiến xây dựng Dự thảo sửa đổi QĐ 71) cho biết, hiện Việt Nam chưa có luật về PPP, mà đang trong quá trình hình thành từng bước một, từ Quyết định lên Nghị định rồi mới đến Luật. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tiến hành thí điểm những dự án PPP cụ thể, từ đó vừa học tập vừa rút kinh nghiệm. Mục đích là để luật này có thể đồng bộ với các văn bản luật khác và bao trùm được các nội dung như ưu đãi thuế, tỷ giá, ngoại hối… Có như vậy thì nhà đầu tư tư nhân mới yên tâm đầu tư dài hạn với những dự án PPP có thời gian từ 20-30 năm. Hy vọng, không lâu nữa Việt Nam sẽ có Luật PPP như mong đợi của các nhà đầu tư.

 

Bích Thủy