HỎI ĐÁP VỀ KỲ THI THPT QUỐC GIA VÀ XÉT TUYỂN ĐẠI HỌC NĂM 2015

531

 Hỏi:Năm nay sẽ tổ chức gộp hai kỳ thi: tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một. Vậy xin hỏi kỳ thi chung này sẽ được tổ chức vào khi nào?

 

Đáp: Kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức vào các ngày 1, 2, 3, 4 tháng 7 như thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước đây nhằm tạo sự ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh và có thêm thời gian để các em ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.

 

Hỏi: Xin hỏi để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển sinh ĐH, thí sinh phải đăng ký môn thi như thế nào và thời gian thi của các môn ra sao?

Đáp: 1. Theo quy chế của kỳ thi quốc gia năm 2015 thì:

– Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại.

Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được Giám đốc sở GDĐT xem xét, quyết định cho phép thí sinh chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.

– Để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ thí sinh dự thi 4 môn quy định tại khoản 1 Điều này và đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh do trường ĐH, CĐ quy định.

– Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải đăng ký dự thi các môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng. Ví dụ, thí sinh muốn thi vào khối A của trường ĐH thì ngoài môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ sẽ đăng ký thêm hai môn là Lý và Hóa. Thí sinh khi khối A1 sẽ chỉ phải đăng ký thêm 01 môn là Lý.

2. Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí: Thi tự luận, thời gian thi 180 phút; Các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ: Thi trắc nghiệm, thời gian thi 90 phút

Hỏi: Xin cho hỏi thời gian bắt đầu đăng ký các môn thi cho kỳ thi quốc gia? Cần lưu ý điều gì khi làm hồ sơ để tránh sai sót? Có đăng ký môn xét tuyển ĐH luôn không? Ví dụ em dự định thi khối A (Toán – Lý – Hóa) thì có thể xét ĐH khối A1 (Toán – Lý – Anh) được không?

Đáp: Năm nay phải làm 2 đợt hồ sơ: Hồ sơ đăng ký chọn môn thi vào tháng 4/2015 và hồ sơ xét tuyển đại học cao đẳng vào tháng 8/2015. Đối với các thí sinh tự do (đã đỗ tốt nghiệp) thì vẫn phải làm hồ sơ dự thi THPT quốc gia vào tháng 4/2015 để đăng ký chọn số môn thi và chọn là thi để xét đại học, cao đẳng. Để tránh sai sót khi làm hồ sơ đăng ký dự thi thí sinh cần đọc kỹ quy chế thi THPT quốc gia, quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ và các tài liệu hướng dẫn có liên quan.

Điểm mới cơ bản của kỳ thi THPT QG năm 2015 là tách phần thi ra khỏi phần xét tuyển. Sau khi có kết quả thi (dự kiến vào cuối tháng 7 đầu tháng 8), thí sinh sẽ dùng kết quả này để đăng ký xét tuyển vào các ngành học của các trường ĐH, CĐ.

Nếu thí sinh có dự tính đăng ký xét tuyển các ngành theo khối thi A và A1 thì cần phải đăng ký 5 môn thi: 3 môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ), 1 môn tự chọn để xét tốt nghiệp và 1 môn chọn thêm cho đủ 3 môn của khối thi A (nếu môn tự chọn để xét tốt nghiệp là Lý thì môn chọn thêm là Hóa và ngược lại), khi đó cũng đương nhiên đủ điều kiện để xét tuyển theo khối thi A1.

Hỏi: Năm nay em học lớp 12, em muốn đăng ký thi khối A vào trường Đại học Ngoại thương thì em phải đăng ký thi những môn nào để được xét tốt nghiệp và xét tuyển vào trường?

Đáp: Em dự kiến đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ theo khối thi A truyền thống (Toán, Lý, Hóa), như vậy em sẽ phải đăng ký thi 5 môn: 3 môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ), 1 môn tự chọn để xét tốt nghiệp và 1 môn chọn thêm cho đủ 3 môn của khối thi A (nếu môn tự chọn để xét tốt nghiệp là Lý thì môn chọn thêm là Hóa và ngược lại).

Điểm xét tốt nghiệp gồm điểm 4 bài thi mà em đã đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12. Sau đó, để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ theo khối A thì em chỉ cần dùng điểm của tổ hợp 3 môn Toán, Lý, Hóa chứ không cần dùng đến điểm của môn Văn và Ngoại ngữ nữa.

Hỏi: Em dự định thi khối A1, được biết năm 2015 có đổi mới về cơ chế ra đề thi. Mọi năm đề thi tiếng Anh khối A1 có mức độ khó nhẹ hơn đề khối D nhưng năm nay đề thi tiếng Anh gộp chung cả khối A1 và D. Vậy không biết mức độ khó của đề thi hai khối này ra sao?

Đáp: Trong Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức thi 8 môn, trong đó có môn ngoại ngữ (có môn tiếng Anh). Tất cả thí sinh tham dự kỳ thi này sẽ sử dụng chung cùng một đề thi cho mỗi môn.

Tùy theo năng lực, nguyện vọng mà các em đăng ký dự thi các môn phù hợp với mục đích dự thi của mình. Cần lưu ý là các em có thể lựa chọn thi các môn lấy kết quả vừa để xét tốt nghiệp THPT đồng thời để sử dụng vào các tổ hợp môn thi xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Đề thi các môn nói chung, môn tiếng Anh nói riêng sẽ vừa có những câu ở mức độ cơ bản phù hợp với cả học sinh THPT và học viên giáo dục thường xuyên (thí sinh chỉ cần trả lời các câu hỏi này là có thể đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp THPT) và các câu hỏi ở mức khó hơn nhằm phân hóa trình độ học sinh, phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ.

Hỏi: Cho em hỏi năm nay kì thi 2 trong 1 này sẽ tổ chức cụm thi như thế nào? Ví dụ như ở Nam Định và Thái Bình thì sẽ thi ở đâu?

Đáp:

Bộ GDĐT tổ chức cụm thi, gồm:

– Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ: tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh), do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GDĐT;

– Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT: tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GDĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH.

Nến em là thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ thì em phải đăng ký dự thi ở cụm thi do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GDĐT tổ chức.

Danh sách 38 cụm thi THPT Quốc gia năm 2015

(Dành cho thí sinh xét tốt nghiệp và xét tuyển Đại học)

STT

Học sinh của tỉnh

Thi ở đâu (Cụm thi THPT Quốc gia)

1

Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hòa Bình, Hà Nam

ĐH Bách khoa Hà Nội

2

ĐH Kinh tế Quốc dân

3

ĐH Thủy lợi

4

HV Kỹ thuật quân sự

5

ĐH Công nghiệp Hà Nội

6

ĐH Sư phạm Hà Nội

7

ĐH Lâm nghiệp

8

HV Nông nghiệp Việt Nam

9

TP HCM, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu

ĐH Quốc gia TP HCM

10

ĐH Công nghiệp TP HCM

11

ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM

12

ĐH Sư phạm TP HCM

13

ĐH Sài Gòn

14

ĐH Tôn Đức Thắng

15

ĐH Y Dược TP HCM

16

ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM

17

Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh

ĐH Hàng hải Việt Nam

18

ĐH Hải Phòng (phối hợp với ĐH Giao thông Vận tải)

19

Điện Biên, Sơn La

ĐH Tây Bắc chủ trì, phối hợp ĐH Ngoại thương.

20

Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn

ĐH Thái Nguyên

21

Tuyên Quang, Hà Giang

ĐH Tân Trào Chủ trì, phối hợp ĐH Sư phạm Hà Nội 2

22

Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu

ĐH Hùng Vương chủ trì, phối hợp ĐH Mỏ Địa chất

23

Thái Bình; Hưng Yên

ĐH Y Thái Bình 

24

Thanh Hóa; Ninh Bình

ĐH Hồng Đức chủ trì phối hợp với ĐH Y Hà Nội

25

Nghệ An; Hà Tĩnh

ĐH Vinh

26

Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị

ĐH Huế

27

Đà Nẵng và Quảng Nam

ĐH Đà Nẵng

28

Bình Định và Quảng Ngãi

ĐH Quy Nhơn

29

Gia Lai và Kon Tum

ĐH Nông lâm tại Gia Lai

30

 Đắc Lắc và Đắc Nông

ĐH Tây Nguyên

31

 Lâm Đồng và Ninh Thuận

ĐH Đà Lạt

32

Khánh Hòa và Phú Yên

ĐH Nha Trang

33

 Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang

ĐH Cần Thơ

34

Đồng Tháp và Long An

ĐH Đồng Tháp

35

Trà Vinh và Vĩnh Long

ĐH Trà Vinh chủ trì, phối hợp với ĐH Ngân hàng TP HCM

36

Tiền Giang, Bến Tre

ĐH Tiền Giang chủ trì, phối hợp với ĐH Tài nguyên Môi trường TP HCM

37

 An Giang, Kiên Giang

ĐH An Giang chủ trì, phối hợp ĐH Luật TP HCM

38

 Bạc Liêu và Cà Mau

ĐH Bạc Liêu chủ trì, phối hợp với ĐH Y Dược Cần Thơ

Hỏi: Cho em hỏi Đại học Ngoại thương tổ chức xét tuyển hay tổ chức thi riêng trong năm 2015?

Đáp: Trường Đại học Ngoại thương  tổ chức xét tuyển trên cơ sở kết quả kỳ thi THPTQG tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì. Trường Đại học Ngoại thương không tổ chức kỳ thi riêng. Em cần đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia theo cụm thi dành cho tỉnh mình. Sau khi có kết quả, em nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường.

Điều kiện được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển: Điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên; Hạnh kiểm của từng năm lớp 10, 11, 12 từ Khá trở lên; Điểm ba môn thi (theo tổ hợp môn xét tuyển) đạt mức điểm thông báo nhận hồ sơ xét tuyển của Nhà trường.

Hỏi: Hiện nay các trường đều thêm nhiều điểm mới (xét thêm học bạ), điều này hoàn toàn bất ngờ đối với chúng em. Vì những năm trước chúng em chỉ cần học xong lớp 12 đậu tốt nghiệp để tập trung ôn thi ĐH nên thường điểm hồ sơ học bạ rất thấp nếu các trường ĐH thêm chỉ tiêu này liệu có hơi thiệt thòi và vội vã cho chúng em không ?

Đáp: Theo Luật Giáo dục Đại học, các trường ĐH, CĐ được quyền tự chủ tuyển sinh theo hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả thi tuyển và xét tuyển. Từ năm 2014, nhiều trường ĐH, CĐ đã thực hiện tự chủ tuyển sinh theo hình thức được chỉ ra trong Đề án tuyển sinh riêng của các trường. Trong đó, có việc xét tuyển dựa trên kết quả học tập của các em ở bậc THPT.

Để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, các trường này đều xét tuyển các thí sinh có điểm trung bình học tập từ 6.0 trở lên (đối với tuyển sinh ĐH) và từ 5.5 trở lên (đối với tuyển sinh CĐ). Các Đề án tuyển sinh riêng đều được công khai trên trang thông tin điện tử của trường, website của Bộ Giáo dục – Đào tạo, Báo Giáo dục và Thời đại để học sinh, phụ huynh và xã hội biết và thực hiện. Hình thức tuyển sinh này được nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh năm 2015, do đó không thể nói là bất ngờ với các em được.

Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh bậc THPT được thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục – Đào tạo theo các chuẩn kiến thức, kỹ năng và các quy định liên quan thống nhất đối với tất cả các cơ sở giáo dục trong toàn quốc. Các trường ĐH, CĐ được quyền quyết định phương thức tuyển sinh trên cơ sở đáp ứng những yêu cầu, quy định chung của Bộ Giáo dục – Đào tạo hướng tới đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, tạo điều kiện để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Hỏi: Em đăng ký các môn thi: Toán – Văn – Anh – Lý – Hóa Trường Đại học Ngoại thương hoặc một trường khác cùng một ngành lấy cả 2 tổ hợp môn (Toán – Lý – Hóa ) và ( Toán – Lý – Anh ). Vậy em có được gửi đăng ký xét tuyển cùng lúc đồng thời cả 2 tổ hợp môn không. Thủ tục và hình thức đăng ký thế nào?

Đáp: Sau khi có kết quả thi đối với thí sinh đã có đăng ký dự thi để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, sẽ được cấp 1 giấy chứng nhận điểm số 1 và 3 giấy chứng nhận điểm bổ sung, các em sẽ sử dụng giấy chứng nhận điểm số 1 để đăng ký dự tuyển đợt 1 với tối đa 4 ngành của một trường. Như vậy, em chỉ có thể tham gia xét tuyển đợt 1 vào một trường với nhiều tổ hợp môn khác nhau mà không thể tham gia xét tuyển vào nhiều hơn một trường vì vậy em cần xác định rõ ngay từ đầu trường mà mình muốn học.

Trong trường hợp không trúng tuyển đợt 1, em có thể sử dụng 3 giấy chứng nhận điểm bổ sung còn lại để đăng ký nguyện vọng vào các trường còn chỉ tiêu và có công bố xét tuyển nguyện vọng bổ sung (lưu ý từ trước đến nay trường ĐH Ngoại Thương thường đã có đủ thí sinh từ đợt 1 và vì thế thường không xét tuyển nguyện vọng bổ sung).

 Em có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tiếp hoặc qua bưu điện vào trường có nguyện vọng học.

Hỏi: Nếu em không đạt điểm vào một ngành đăng ký của Đại học Ngoại thương nhưng lại đủ điểm vào một ngành khác của trường thì có được chuyển đổi điểm, nguyện vọng sang ngành thấp hơn không?

Đáp: Năm nay, trong mỗi phiếu đăng ký xét tuyển, mỗi thí sinh được ghi 4 ngành/chuyên ngành của trường theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Bộ cho phép thí sinh được đổi đăng ký ngành trong thời hạn quy định của đợt xét. Em cần theo dõi thông báo của Trường (3 ngày 1 lần) về thứ bậc của em trong danh sách xếp thứ tự theo điểm xét tuyển, để em thay đổi đăng ký cho phù hợp (đổi nguyện vọng hoặc rút lại phiếu đăng ký nộp sang trường khác).

Hết thời hạn nhận đăng ký xét tuyển, Trường làm thống kê điểm để xây dựng điểm chuẩn. Trường sẽ xét ngành nguyện vọng 1 (NV1) trước.

Tại điểm trúng tuyển nguyện vọng 1, nếu còn chỉ tiêu, Trường mới xét đến ngành NV2; Tương tự như vậy đối với ngành NV3, NV4 của đợt xét.

Như vậy câu trả lời trong trường hợp này là không được xét sang ngành NV1 có điểm chuẩn thấp hơn. Em phải chú ý theo dõi hàng ngày để đổi NV cho phù hợp với điểm của em hoặc rút lại phiếu đăng ký để đăng ký trường khác.

Hỏi: Em năm nay thi Đại học, và em có chút thắc mắc về việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Nếu trong trường hợp em không đậu nguyện vọng ưu tiên và nộp hồ sơ đăng kí nguyện vọng bổ sung thì nguyện vọng bổ sung có phải cần mức điểm cao hơn nguyện vọng ưu tiên của cùng 1 trường (giống như việc xét tuyển nguyện vọng 2 như các năm trước) không ạ? Và em muốn được hiểu rõ hơn cách xét tuyển nguyện vọng bổ sung?

Đáp: Căn cứ vào ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của Bộ GD&ĐT. Điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.

Để đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung: thí sinh dùng 3 giấy chứng nhận kết quả thi cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo.

Hỏi: Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia rồi mới đăng ký xét tuyển, nhưng thí sinh chưa biết điểm chuẩn của các trường, vậy làm sao em có thể dự đoán được xác suất trúng tuyển ạ?

Đáp: Theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, các trường xét tuyển sẽ công bố (3 ngày/lần) trên trang thông tin điện tử của trường, danh sách các thí sinh đăng ký xét tuyển xếp theo kết quả thi từ cao xuống thấp. Như vậy, em có thể theo dõi thông tin này để dự liệu khả năng trúng tuyển của mình.

Em cũng có thể tham khảo điểm đầu vào của các ngành trong các năm tuyển sinh trước để lựa chọn đăng ký ngành phù hợp nguyện vọng và khả năng của mình.

Hỏi: Em rất muốn trở thành sinh viên của Trường Đại học Ngoại thương. Em muốn hỏi năm nay Trường lấy điểm trúng tuyển xét theo từng ngành học hay theo điểm sàn của trường?Điểm chuẩn vào trường Đại học Ngoại thương năm 2015 có cao như một số năm gần đây không?

Đáp: Năm nay Trường không có điểm sàn chung cho tất cả các ngành. Điểm trúng tuyển xét theo từng ngành học.

Điểm chuẩn cao hay thấp phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi THPT QG, chỉ khi nào hết đợt xét tuyển thứ nhất, mới có thể biết được điểm chuẩn. Có thể sự khác biệt cơ bản điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) năm nay so với các năm trước vì xét tuyển theo ngành. Mỗi ngành có điểm trúng tuyển riêng. Em nên đọc kỹ thông báo tuyển sinh của trường, để lựa chọn ngành/chương trình đào tạo đăng ký phù hợp với kết quả thi của em. Điều này rất quan trọng. Chúc em thành công.