Tọa đàm: “Kỹ thuật viết bản án từ góc nhìn so sánh giữa Việt Nam và một số nước châu Âu”

560

Chiều ngày 01/03/2017, tại phòng hội thảo Liên Việt, tầng 10 nhà A, Trường Đại học Ngoại Thương, Khoa Sau Đại học và Khoa Luật đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “Kỹ thuật viết bản án từ góc nhìn so sánh giữa Việt Nam và một số nước châu Âu”.

 

 

 

Tham dự tọa đàm, về phía khách mời có GS, TS Wolfgang Wurmnest tới từ trường Đại học Augsburg (Đức) và TS Nguyễn Văn Cường, Chánh tòa, Tòa Hành chính – Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội; về phía trường Đại học Ngoại thương có PGS, TS Tăng Văn Nghĩa – trưởng khoa Sau Đại học, PGS, TS Phạm Thu Hương – Phó trưởng khoa Sau Đại học, TS Nguyễn Minh Hằng – trưởng khoa Luật cùng với các thầy cô giáo trong trường.

Mở đầu tọa đàm là phát biểu khai mạc của PGS, TS Tăng Văn Nghĩa, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài trong quá trình hoàn thiện và nâng cao kỹ thuật viết bản án của các thẩm phán Việt Nam.

Tiếp theo, GS, TS Wolfgang Wurmnest trình bày về cách viết bản án từ góc nhìn so sánh ở một số nước châu Âu, bao gồm Pháp, Anh và Đức. Từ việc phân tích bản án của các tranh chấp dân sự của các Tòa án tối cao các nước, GS, TS Wolfgang Wurmnest đã nêu lên những điểm giống và khác nhau trong cách viết bản án ở ba quốc gia. Trong khi Đức và Pháp là hai quốc gia theo hệ thống luật Châu Âu lục địa có nhiều nét tương đồng trong kỹ thuật viết bản án ngắn gọn, súc tích và theo cấu trúc tương đối chặt chẽ, cứng nhắc thì tại Anh – một quốc gia điển hình theo hệ thống luật án lệ, các thẩm phán lại thường viết bản án khá dài, mang đậm màu sắc cá nhân với ngôn ngữ linh hoạt. Ngoài ra, GS, TS Wolfgang Wurmnest cũng đi sau giải thích các nguyên nhân dẫn tới những điểm giống, khác nhau này bao gồm các nguyên nhân từ yếu tố lịch sử, chính trị và những nét đặc thù trong hệ thống luật của các quốc gia.

 

Thẩm phán Nguyễn Văn Cường tiếp nối buổi tọa đàm với những chia sẻ quý báu về kinh nghiệm xử án và viết bản án, đồng thời phân tích quá trình phát triển và đổi mới trong kỹ thuật viết bản án tại tòa án Việt Nam, đặc biệt là các thay đổi sau khi Bộ luật tố tụng dân sự mới có hiệu lực từ tháng 7/2016. Thẩm phán Nguyễn Văn Cường cũng so sánh cách viết bản án của Việt Nam với cách viết bản án của các nước châu Âu mà GS, TS Wolfgang Wurmnest đã phân tích để chỉ ra những điểm mà Việt Nam đã, đang và có thể sẽ học tập từ các nước.

 

Cuối chương trình là phần thảo luận sôi nổi với nhiều câu hỏi và chia sẻ thú vị tới từ các chuyên gia trong và ngoài nước, các thầy cô giáo và sinh viên. Đặc biệt, TS. Nguyễn Minh Hằng đã đặt câu hỏi với hai diễn giả về việc trích dẫn án lệ, trích dẫn các nghiên cứu của học giả trong bản án ở tòa án Việt Nam và tòa án nước ngoài và liên hệ với việc trích dẫn tương tự trong các phán quyết của trọng tài. Các diễn giả và chuyên gia đã bình luận và chia sẻ cởi mở dựa trên phân tích xu hướng phát triển kỹ thuật viết bản án của cả Việt Nam và thế giới.

Buổi tọa đàm kết thúc tốt đẹp, giải đáp nhiều câu hỏi cũng như gợi mở những vấn đề mới liên quan tới kỹ thuật viết bản án nói riêng và pháp luật về tố tụng của Việt Nam nói chung.