Khoa Luật của Trường Đại học Ngoại thương được thành lập vào ngày 30 tháng 7 năm 2012 (theo Quyết định số 869/QĐ/ĐHNT-TCHC của Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương) trên cơ sở Bộ môn Luật thuộc Khoa Quản Trị Kinh doanh.
Sự hình thành và phát triển của Bộ môn Luật gắn liền với sự phát triển của Trường Đại học Ngoại thương. Năm 1960 khi Trường Đại học Ngoại thương được thành lập trực thuộc Bộ Ngoại thương (nay là Bộ Công thương), cũng là lúc Khoa Nghiệp vụ của Trường Đại học Ngoại thương được thành lập: trong số các bộ môn của Khoa có Bộ môn Luật. Đây chính là tiền thân của Khoa Luật hiện nay.
Những ngày đầu, Bộ môn Luật được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình các môn học thuộc khoa học pháp lý để đưa vào giảng dạy với ý nghĩa là môn học bổ trợ cho các môn nghiệp vụ ngoại thương. Bộ môn có nhiệm vụ tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học với các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước theo các chủ đề gắn pháp luật với nghiệp vụ, gắn kỹ năng xuất nhập khẩu với kỹ năng soạn thảo hợp đồng và giải quyết tranh chấp…
Khi mới thành lập, Bộ môn Luật chỉ có hai giảng viên luật trong Khoa Nghiệp vụ (sau này là Khoa Kinh tế Ngoại thương), đến năm 1999, khi được chuyển sang Khoa Quản trị Kinh doanh, Bộ môn Luật đã có 12 giảng viên cơ hữu trong đó có 1 PGS, 4 tiến sĩ và nhiều thạc sỹ được đào tạo về luật ở Việt Nam và nước ngoài. Năm 2010 khi kỷ niệm 50 năm thành lập Trường, Bộ môn Luật đã có 18 giảng viên (ở cả Cơ sở 1 Hà Nội và Cơ sở 2 tại thành phố Hồ Chí Minh) trong đó 01 giáo sư, 03 phó giáo sư, 05 tiến sĩ, 06 thạc sĩ ngành luật học. Các giảng viên của Bộ môn đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp thành phố…tham gia nhiều dự án quốc tế về đào tạo và nghiên cứu pháp luật thương mại quốc tế như Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên (Dự án MUTRAP I, II, III); Dự án đào tạo thạc sỹ Luật kinh doanh quốc tế với Đại học Tours của Pháp … Bộ môn Bộ môn Luật được lãnh đạo nhà trường công nhận là một trong những Bộ môn mạnh của Trường Đại học Ngoại thương. Nhiều giảng viên của Bộ môn đã từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước cũng như trong nhà trường, như Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Ngoại thương, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (Chủ tịch VIAC), Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương…
Vào ngày 30 tháng 07 năm 2012, khi nhận Quyết định thành lập, Khoa Luật đã có 26 giảng viên trong đó, số giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên chiếm hơn 76%. Từ chỗ chỉ đảm nhận giảng dạy một môn học là môn “Luật áp dụng trong ngoại thương” cho ngành Kinh tế đối ngoại, Khoa Luật đảm nhận 16 môn học thuộc khoa học pháp lý cho tất cả các ngành học Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, ngôn ngữ thương mại với các chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, Kinh tế quốc tế, Quản trị kinh doanh quốc tế, Luật kinh doanh quốc tế, tài chính quốc tế…
Bắt đầu từ năm học 2011-2012, trong định hướng đa dạng hóa các ngành đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương bắt đầu thực hiện nhiệm vụ đào tạo cử nhân luật, chuyên ngành Luật thương mại quốc tế. Cùng với hình thức đào tạo chính quy, nhằm đa dạng hóa hình thức đào tạo và tăng cơ hội học tập của các đối tượng trong xã hội, khoa Luật cũng triển khai đào tạo ngành Luật, hệ vừa học vừa làm từ năm 2016. Đến năm 2017, khoa Luật mở đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Luật Kinh tế, chuyên sâu Luật kinh doanh quốc tế với định hướng ứng dụng. Chương trình đã triển khai được 2 khóa và nhận được phản hồi rất tích cực từ người học, đặc biệt là tính thực tiễn của chương trình với các chuyên đề về thực hành soạn thảo hợp đồng và thực hành diễn án hoặc trọng tài giả định.
Hiện nay, khoa Luật đã có 28 giảng viên, trong đó có 5 Phó Giáo sư, 9 Tiến sĩ và 14 Thạc sĩ (trong đó có 12 NCS). Tập thể khoa Luật, Chi bộ khoa Luật, Công đoàn Khoa Luật, Chi đoàn khoa Luật và các cán bộ, giảng viên của Khoa trong các năm vừa qua đã đạt được nhiều thành tích như Chi bộ trong sạch vững mạnh, Tập thể lao động xuất sắc, Chiến sỹ thi đua cấp trường, Chiến sỹ thi đua cấp Bộ…