Thành công rực rỡ của Hội thảo quốc tế chào mừng 5 năm thành lập Khoa Luật

675

THÔNG CÁO BÁO CHÍ HỘI THẢO QUỐC TẾ
“Quan hệ đối tác EU-ASEAN và những thách thức từ các sáng kiến hợp tác của các cường quốc kinh tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”

(Hội thảo chào mừng Ngày truyền thống của Trường Đại học Ngoại thương và chào mừng kỷ niệm 5 năm thành lập khoa Luật)

Từ bối cảnh các tham luận và trao đổi, thảo luận trong Hội thảo về các quan hệ đối tác song phương và đa phương…
Từ một thập kỷ qua, các hiệp định hợp tác và đối tác kinh tế và thương mại song phương và đa phương liên tiếp được ký kết giữa các cường quốc kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nằm trong khu vực địa lý quan trọng của nền kinh tế thế giới, ASEAN và các quốc gia thành viên được coi là những đối tác quan trọng của mọi cường quốc kinh tế trên thế giới. Không nằm ngoài xu thế đó, Liên minh Châu Âu EU tham gia thiết lập quan hệ đối tác với các quốc gia ASEAN với những thách thức về địa kinh tế và địa pháp lý có liên quan.
– Thách thức kinh tế- thương mại theo nghĩa hẹp: EU tìm cách duy trì sự tiếp cận của các doanh nghiệp châu Âu vào thị trường các quốc gia ASEAN. Điều này liên quan cả lĩnh vực hàng hoá, dịch vụ, mua sắm chính phủ lẫn lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài.
– Thách thức địa chính trị- pháp lý: có thể thấy rằng trong vòng mười năm trở lại đây các quy tắc thương mại quốc tế mới được soạn thảo trong khuôn khổ các hiệp định hợp tác kinh tế và thương mại song phương hoặc đa phương (thường được gọi là các Hiệp định thương mại tự do thế hê mới) có nhiều khả năng để tạo ra các tiêu chuẩn sau đó có thể áp dụng trên quy mô toàn cầu. Các cường quốc trên thế giới vì thế đều có chiến lược tạo sự ảnh hưởng đến các quy tắc điều chỉnh cả các tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh trong lĩnh vực hàng hóa lẫn những quy định bảo vệ quyền cơ bản của người lao động, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hay bảo vệ các nhà đầu tư. Việc này thể hiện sự cạnh tranh giữa các cường quốc thương mại thế giới nhằm thiết lập các chuẩn mực thương mại của thế kỷ 21.
Những tiêu chuẩn mới trong Hiệp định thương mại tự do EU-VN (EVFTA), từ các tiêu chuẩn về bảo vệ người lao động, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ hay giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp cũng như các nhà nghiên cứu. Những ảnh hưởng của các tiêu chuẩn này đến các hiệp định trong tương lai, triển vọng hợp tác giữa EU và Việt Nam sẽ được phân tích, trao đổi, thảo luận từ các góc nhìn của nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao, đại diện khu vực tư nhân trong khuôn khổ buổi Hội thảo. Các chuyên gia cũng sẽ trao đổi, thảo luận, phân tích khía cạnh địa kinh tế, địa pháp lý và địa chính trị về sự tương tác giữa quan hệ đối tác EU-ASEAN với các quan hệ đối tác được thiết lập trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi TPP cũng như tác động của các quan hệ này tới tương lai của sự hội nhập khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam và quan hệ EU-ASEAN.
Hội thảo do Trường Đại học Ngoại thương phối hợp với Trường Đại học Rennes 2 (Cộng hòa Pháp) và các đối tác đến từ Pháp, Bỉ, Canada, với sự tài trợ và bảo trợ của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm tham gia của 30 diễn giả đến từ Cộng hòa Pháp (ĐH Rennes 1, ĐH Rennes 2, ĐH Rouen, ĐH Tours, Trung tâm nghiên cứu về quan hệ quốc tế của Pháp tại Châu Á), Bỉ (ĐH Gent), Italia (ĐH Bocconi), Canada (ĐH Sherbrooke, ĐH Quebec- Montreal, ĐH Laval, ĐH Ottawa), Brunei (ĐH Brunei Darussalam), Trung Quốc (ĐH Tsinghua), Việt Nam (ĐH Ngoại Thương, ĐH Luật TP.HCM, Học viện Ngoại giao). Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm tham gia của Đại sứ Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp của Việt Nam. Một số đại diện của khu vực tư nhân (tập đoàn Michelin, công ty luật Audier&partners) cũng tham gia thảo luận tại Hội thảo.


…đến việc thiết lập mạng lưới nghiên cứu về “Quan hệ đối tác mới năng động của EU tại Châu Á-Thái Bình Dương” (NODYPEX)
Hội thảo được tổ chức tại ĐH Ngoại Thương là hội thảo nền móng cho mạng lưới nghiên cứu mới (NODYPEX) với mục đích đối chiếu quan hệ đối tác EU-ASEAN với các ý tưởng hợp tác thực hiện bởi ASEAN, Trung Quốc, Hoa Kỳ…trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Mạng lưới nghiên cứu đa ngành phân tích các mức độ tương tác khác nhau giữa các quan hệ đối tác trong khu vực và liên khu vực, cũng như tác động của các quan hệ đối tác này tới tương lai của sự hội nhập khu vực ASEAN và quan hệ EU-ASEAN.
Mạng lưới nghiên cứu này sẽ gồm các trụ cột là trường Đại học Rennes 2 và trung tâm nghiên cứu IODE, CEJM Rennes tại Châu Âu; Đại học Quebec tại Montreal (UQAM) tại Bắc Mỹ và trường Đại học Ngoại Thương tại khu vực ASEAN. Mạng lưới còn đón nhận sự quan tâm tham gia của các trung tâm nghiên cứu và trường đại học khác tại châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Thông qua các đối tác của mình, trường ĐH Ngoại Thương là đầu mối để mở rộng mạng lưới nghiên cứu này đến các đối tác trong khu vực./.