HỘI THẢO CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO THẾ HỆ MỚI CỦA VIỆT NAM: TỪ CHIẾN LƯỢC THAM GIA ĐẾN THÁCH THỨC KHI THỰC THI

957

Ngày 9-1, Trường Đại học Luật TPHCM và Trường Đại học Ngoại thương đồng tổ chức hội thảo khoa học “Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới của Việt Nam: từ chiến lược tham gia đến thách thức khi thực thi”.

Hội thảo thu hút đông đảo học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, trọng tâm thảo luận về các thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi thực thi các FTA thế hệ mới, trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa có hiệu lực.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, CPTPP có hiệu lực đã đánh dấu mốc quan trọng cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việc thực thi các cam kết mới trong các FTA thế hệ mới vừa là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện thể chế, hoàn thiện chính sách, cơ chế ở trong nước; vừa cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, tạo ra nhiều việc làm hơn. Đồng thời, cũng đặt ra nhiều thách thức trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, đầu tư nguồn lực để thực thi có hiệu quả các quy định.

Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Các thách thức này sẽ lớn hơn nếu các doanh nghiệp, những chủ thể chịu tác động chính của FTA thế hệ mới, không hiểu và nắm rõ các quy định của FTA thế hệ mới. Tuy nhiên, dường như, đây lại là thực tế ở Việt Nam.

TS. Hà Công Anh Bảo, Trường Đại học Ngoại Thương cho hay, trên cơ sở kết quả điều tra xã hội học về tác động của FTA đến hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp, cho thấy có tới 49% doanh nghiệp trả lời không biết hoặc chỉ hiểu rất ít về các FTA thế hệ mới. Đây là điều mà Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền cần đặc biệt lưu ý để đảm bảo việc áp dụng FTA từ phía doanh nghiệp đạt được hiệu quả như mong muốn.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã bàn nhiều khía cạnh quan trọng, đặc trưng của FTA thế hệ mới.

Theo TS. Vũ Kim Ngân (Trường Đại học Ngoại thương), các FTA thế hệ mới hướng tới việc đảm bảo cân bằng lợi ích thông qua những cam kết mở cửa thị trường sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, không chỉ nhấn mạnh đến tự do hóa thương mại, các hiệp định này có thể hàm chứa nhiều cam kết trong đó có nhiều lĩnh vực mới, vượt ra khỏi phạm vi điều chỉnh của hệ thống thương mại toàn cầu hiện tại, nên việc thực thi đòi hỏi phải nỗ lực mới có thể tận dụng được các lợi thế.
Về các thách thức khi thực thi các FTA thế hệ mới, PGS.TS. Hồ Thúy Ngọc, Trường Đại học Ngoại thương nhấn mạnh, thách thức đối với Việt Nam khi thực thi các cam kết về sở hữu trí tuệ trong CPTPP – một trong những FTA có cam kết sâu nhất về lĩnh vực này hiện nay. Việc phải gia nhập các công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, đảm bảo thực thi các tiêu chuẩn bảo hộ cao đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ cũng như phải thực thi một cách nghiêm ngặt việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ sẽ buộc Việt Nam có nhiều điều chỉnh về thể chế pháp luật. Điều này đã được minh chứng rõ ràng bằng Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội, theo đó, pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là một trong những lĩnh vực phải sửa đổi nhiều nhất để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của CPTPP.
Đề cập tới quy tắc xác định xuất xứ hàng hóa phức tạp của EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU) và CPTPP trong lĩnh vực dệt may, bà Trần Thị Thuận Giang (Trường Đại học Luật TPHCM) và TS. Nguyễn Thùy Dương (Đại học Ngoại thương) cho rằng, để được hưởng những ưu đãi về thuế quan của hiệp định, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải hiểu rõ cách phân loại hàng hóa. Đặc biệt, phải sử dụng vải được dệt từ sợi có xuất xứ từ các nước trong khu vực thương mại. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải linh hoạt điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với chuỗi cung ứng sản xuất và nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào; chú trọng giải pháp kỹ thuật để vận dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá trong CPTPP.

Quá trình hội nhập, một khía cạnh khác mà Việt Nam cần quan tâm đó là cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (ISDS). Hiệp định EVFTA đã xây dựng một cơ chế ISDS dựa theo mô hình cơ quan bán tư pháp.

Bà Nguyễn Thị Nhung, Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp nhận xét, việc thực thi cơ chế mới có thể dẫn đến những quan ngại về năng lực và trình độ chuyên môn của các ứng viên trọng tài được đề cử; sự độc lập, khách quan của các trọng tài viên không mang quốc tịch Việt Nam. Áp lực lớn hơn về thời gian tố tụng; tính chung thẩm của phán quyết trọng tài hay cơ chế minh bạch hóa dẫn đến tất cả các phán quyết được công khai…

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS. Trần Việt Dũng, Đại học Luật TPHCM cũng cho rằng, nước ta cần cẩn trọng với cơ chế tòa án đầu tư như mô hình của EVFTA. PGS.TS Trần Việt Dũng nêu một giải pháp an toàn hơn đối với ISDS mà Việt Nam đã có thực tiễn – đó là đàm phán ký kết thỏa thuận bên lề với đối tác riêng về vấn đề ISDS nhằm hạn chế việc nhà đầu tư nước ngoài có thể kiện chính phủ trog những vấn đề nhạy cảm.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lan Hương và bà Nguyễn Xuân Mỹ Hiền, Trường Đại học Luật TPHCM đánh giá, việc đưa các nội dung về môi trường vào FTA thế hệ mới là xu hướng. Đây cũng là cách thức để đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế của nhà đầu tư và bảo vệ một số lợi ích phi kinh tế của xã hội, qua đó làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của quốc gia, nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi theo đuổi các chính sách hướng đến bảo vệ môi trường, để vận dụng đúng các quy định nhằm tạo ra lá chắn hiệu quả bảo vệ Nhà nước trước những khiếu kiện có liên quan của nhà đầu tư, Việt Nam cần đặc biệt lưu ý đến cách thức ban hành, áp dụng các biện pháp quản lý nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường phải đảm bảo các yêu cầu về minh bạch và đúng thủ tục.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, sau một thời gian dài đàm phán nhiều FTA thế hệ mới quan trọng, Việt Nam dần chuyển sang giai đoạn thực thi các cam kết của mình. Thách thức là không nhỏ, nhưng nếu chủ động, sáng tạo khi hội nhập, Việt Nam sẽ giải quyết được các vấn đề để từ đó tạo ra những động lực lớn hơn cho sự phát triển của đất nước.

https://www.sggp.org.vn/49-doanh-nghiep-viet-nam-khong-biet-ve-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-569885.html