HỘI THẢO “ĐÀO TẠO KIẾN THỨC, KỸ NĂNG VÀ NGHIỆP VỤ TRỌNG TÀI VÀ HÒA GIẢI THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM: NHU CẦU VÀ CƠ HỘI HỢP TÁC PHÁT TRIỂN”

3379

Sáng ngày 15/6/2020, Hội thảo “Đào tạo kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ trọng tài và hòa giải thương mại tại Việt Nam: Nhu cầu và cơ hội hợp tác phát triển” do Trường Đại học Ngoại Thương phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế Việt Nam (VBLC), Hội Luật Quốc tế Việt Nam (VSIL) và Trung Tâm Hòa Giải Thương Mại Quốc Tế Việt Nam (VICMC) tổ chức. Đây là Hội thảo do Trường Đại học Ngoại Thương, với đơn vị đầu mối là Khoa Luật, đồng tổ chức nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Ngoại Thương và cũng là sự kiện đầu tiên trong Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải Thương mại Việt Nam (Vietnam Arbitration Week) kỷ niệm 10 năm Luật Trọng tài Thương mại Việt Nam.

Ngoài đại diện của các đơn vị đồng tổ chức, Hội thảo đã thu hút hơn 100 người tham dự trực tiếp tại hội trường và trực tuyến qua ứng dụng Zoom, bao gồm các diễn giả, khách mời và đại biểu đến từ cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học đào tạo luật, các cơ sở/trung tâm đào tạo luật sư, các trung tâm trọng tài, trung tâm hòa giải, trọng tài viên và hòa giải viên, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ và đông đảo các bạn sinh viên trên cả nước. Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương đã nhấn mạnh định hướng đào tạo gắn với thực tiễn, mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong các chương trình đào tạo nói chung và trong đào tạo cử nhân Luật nói riêng tại nhà trường, và kỳ vọng Hội thảo sẽ là cơ hội để các bên liên quan đánh giá được một cách toàn diện và đầy đủ về thực trạng đào tạo về trọng tài và hòa giải thương mại trong nước và nước ngoài cũng như tìm ra cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này. Đại diện của Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp – Bà Nguyễn Thị Mai – đã đưa ra một số nhận định về thành tựu và tồn tại của hoạt động đào tạo và nghiên cứu về trọng tài và hòa giải tại Việt Nam hiện nay, đồng thời đánh giá cao vai trò của Hội thảo trong việc tập hợp ý kiến của các cơ sở đào tạo luật về định hướng nghiên cứu và đào tạo trọng tài và hòa giải để trên cơ sở đó xây dựng chính sách và pháp luật của nhà nước thúc đẩy các hoạt động này.

Với ba phiên thảo luận, Hội thảo đã nghe các tham luận của các diễn giả về ba chủ đề chính: (i) thực trạng nghiên cứu và đào tạo về trọng tài và hòa giải tại các cơ sở đào tạo luật trong nước, (ii) kinh nghiệm quốc tế tại một số nước về đào tạo và nghiên cứu về trọng tài và hòa giải và các gợi ý cho Việt Nam và (iii) sự tham gia của các tổ chức hành nghề trong đào tạo kỹ năng hành nghề trọng tài và hòa giải tại Việt Nam. Ở phiên thảo luận đầu tiên, tham luận của đại diện các trường có đào tạo luật, chẳng hạn như Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật – Đại học Quốc gia, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngoại giao, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, đã cho thấy, tuy có các cách tiếp cận ở nhiều góc độ và mức độ khác nhau đối với hoạt động nghiên cứu và giảng dạy về trọng tài và hòa giải thương mại (từ thiết kế chương trình, môn học tới học liệu, phương pháp giảng dạy…), các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam đều thống nhất ở sự cần thiết phải tăng cường cả hai hoạt động này và nhấn mạnh cơ chế hợp tác để giải quyết các vấn đề thuộc mối quan tâm chung của các cơ sở đào tạo. Kết quả khảo sát do Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại Thương tiến hành về nhu cầu thị trường và thực tiễn hoạt động giảng dạy và nghiên cứu về hai phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) này tại Việt Nam cũng được trình bày để đem lại một góc nhìn khác của vấn đề. Ở phiên thảo luận thứ hai, chia sẻ của các diễn giả về kinh nghiệm của một số nước trên thế giới như Anh quốc, Hà Lan, Pháp, Úc và Singapore cũng như các khóa học đào tạo cấp chứng chỉ nghề trong lĩnh vực trọng tài của CIArb đã cung cấp một số gợi ý về cách thức xây dựng chương trình đào tạo và nghiên cứu về ADR, đặc biệt về thiết kế chương trình, phương pháp đào tạo, học liệu và người giảng (với sự kết hợp của cả giới học thuật và người hành nghề thực tế)… Các phần trình bày đều thống nhất cần đưa nội dung ADR thành môn học bắt buộc ở năm thứ ba hoặc thứ tư tại bậc đại học, nhằm trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng, tư duy và văn hóa ADR.

Phiên thảo luận cuối cùng tập trung vào nhu cầu đào tạo kỹ năng cho các trọng tài viên, hòa giải viên và luật sư tham gia vào quá trình trọng tài và hòa giải từ góc độ thực tiễn của các tổ chức hành nghề bao gồm VIAC, VICMC, Câu lạc bộ luật sư thương mại quốc tế và Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế – Học viện tư pháp. Các diễn giả đã nêu bật một số mô hình hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và các tổ chức hành nghề để xây dựng các chương trình đào tạo về ADR tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các ý kiến phát biểu khác tại Hội thảo cũng khẳng định sự thiếu hụt nguồn nhân lực về hòa giải thương mại, nhu cầu lớn không chỉ của người học về các chương trình đào tạo mà của cả các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ADR để giải quyết tranh chấp kinh doanh và thương mại.

Thành công của Hội thảo giúp Trường Đại học Ngoại Thương đánh giá được thực trạng nghiên cứu và đào tạo kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ trọng tài và hòa giải thương mại trong nước, kinh nghiệm quốc tế và cơ hội hợp tác; trên cơ sở đó xây dựng các ý tưởng xây dựng các chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp quốc tế cũng như hợp tác đào tạo trong lĩnh vực Luật Thương mại và Kinh doanh Quốc tế.

BAN TỔ CHỨC HỘI THẢO